Vụ Đồng Tâm - Tin tưởng vào sự nghiêm minh của luật pháp
Sáng 8.8, Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên 10 cán bộ xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và nguyên 4 cán bộ huyện Mỹ Đức với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với bà con xã Đồng Tâm. (Ảnh: An Đăng/ TTXVN)
Đây là vụ án được dư luận quan tâm, theo dõi bởi nó liên quan đến nhiều sự việc xảy ra tại xã Đồng Tâm thời gian qua.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức, từ năm 2002 đến năm 2013, do buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai tại xã Đồng Tâm, các ông Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã), Nguyễn Xuân Trường (nguyên cán bộ địa chính xã) cùng Nguyễn Tiến Triển (nguyên Bí thư Đảng ủy xã) và một số người nguyên là cán bộ chủ chốt của xã Đồng Tâm vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất (trái thẩm quyền), hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định. Cũng theo cáo trạng, các cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất, dẫn đến việc ký xác nhận không có căn cứ. Đó là cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mỹ Đức. Còn những bị cáo trên có tội hay không, phạm tội đến mức nào và bị kết án ra sao sẽ do Tòa án định đoạt căn cứ vào các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Tuy nhiên, việc đưa nguyên 14 cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức ra trước vành móng ngựa xét xử cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, cho thấy không có sự bao che hay “nhẹ trên nặng dưới.” Cán bộ vi phạm phải chịu tội trước pháp luật, thậm chí còn bị xử nặng hơn bởi là người hiểu biết pháp luật hơn người dân và hậu quả mà cán bộ phạm tội để lại cũng lớn hơn. Lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề nóng ở nước ta, nhất là khu vực nông thôn. Là một nước nông nghiệp, ruộng đất là tư liệu sản xuất chính và quan trọng của người nông dân. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai không chỉ có giá trị trong sản xuất mà còn là “hàng hóa đặc biệt” với sự chuyển nhượng giá trị sử dụng ở mức cao, thậm chí rất cao đúng theo nghĩa đen của câu thành ngữ “tấc đất tấc vàng,” nhất là ở những vị trí đắc địa. Thế nhưng, do thay đổi về cơ chế cũng như nhiều vấn đề do lịch sử để lại, việc quản lý đất đai ở nông thôn nước ta chưa bao giờ hết phức tạp… Những vấn đề trên, cộng với sự buông lỏng quản lý về đất đai và sự bất cập của chính quyền cấp cơ sở, không ít cán bộ địa phương, đặc biệt là cấp xã, với động cơ vụ lợi đã biến lĩnh vực này thành “mảnh đất” màu mỡ khi thực hiện việc giao, cấp đất, xác nhận nguồn gốc, chuyển nhượng… không đúng, trái thẩm quyền, thậm chí còn hợp thức hóa đất lấn chiếm cho các hộ dân. Những hành vi sai trái, thậm chí là vi phạm pháp luật đó không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên, tài chính mà làm cho vấn đề càng trở nên phức tạp khi địa phương tiến hành cơ cấu lại sản xuất, thực hiện dồn điền đổi thửa hay chuyển mục đích sử dụng, nhất là khi Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thực hiện chính sách đề bù hay tái định cư… Đó là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu nại, tố cáo dai dẳng, kéo dài và để lại hậu quả xấu về mặt xã hội, dẫn đến người dân mất niềm tin vào chính quyền và cán bộ địa phương, kéo theo những mâu thuẫn phức tạp. Điều đáng nói là những khiếu nại, tố cáo đó một khi không được xử lý, giải quyết rõ ràng, minh bạch, kịp thời, có lý có tình… càng khiến những bất bình vốn âm ỉ tích tụ trở thành mâu thuẫn xã hội làm cho vấn đề đã phức tạp càng thêm phức tạp và bùng phát thành những “điểm nóng” mà sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vừa qua là một ví dụ. Đó là bài học không phải chỉ riêng cho xã Đồng Tâm. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, xã hội nói chung và người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức nói riêng chờ đợi và tin tưởng sẽ có một phiên tòa công minh, đem lại sự công bằng xã hội. Không ai có quyền phán xét thay tòa án. Nhưng việc xét xử đúng người đúng tội không những chứng tỏ sự nghiêm minh của pháp luật mà quan trọng hơn, còn để răn đe, ngăn ngừa những sự việc tương tự và đem lại cho người dân niềm tin vào công lý./.
Theo NGUYỄN CÚC-BÙI VĂN (TTXVN/VIETNAM+)