Nỗi lo khi điểm chuẩn nhiều trường sư phạm chỉ bằng mức điểm sàn
Ngược với xu hướng tăng điểm chuẩn của trường tốp đầu như công an, quân đội, y dược, khối sư phạm trừ hai trường đại học lớn là Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM có điểm chuẩn cao, phần đông trường ĐH sư phạm, hoặc có đào tạo sư phạm khác lấy điểm trúng tuyển bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn so với mức sàn của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, với ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất của trường là 17 điểm đối với ngành Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng-An ninh.
Tương tự, ĐH Sư phạm TPHCM có điểm chuẩn cao nhất với ngành Sư phạm Toán là 26,25 điểm và ngành thấp nhất là Sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm.
Ngoại trừ hai trường này, đa phần các trường ĐH sư phạm, hoặc có đào tạo sư phạm khác đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn 15,5 điểm.
ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành sư phạm trừ Sư phạm mầm non. ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) có 10/10 ngành sư phạm hệ đại học lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) cũng lấy chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ đại học bằng mức điểm sàn.
Tại ĐH Sư phạm-ĐH Thái Nguyên, những năm trước các ngành sư phạm Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh luôn có điểm chuẩn cao, vì được coi là ngành “hot” trong trường, nhưng năm nay cũng chỉ lấy 15,5 điểm.
Đến những trường ĐH địa phương có "thương hiệu" mức điểm chuẩn cho các ngành sư phạm cũng không khả quan hơn. Tại ĐH Vinh (Nghệ An), trừ ngành Giáo dục tiểu học, điểm chuẩn nhóm Sư phạm Tự nhiên và Sư phạm Xã hội cũng chỉ ở mức sàn (thấp hơn năm ngoái 1,5 điểm). Còn ở ĐH Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi.
Ông Khổng Chí Nguyện, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tân Trào cho biết, điểm chuẩn đầu vào năm nay xuống thấp như vậy do nguồn tuyển khan hiếm. Ngành Sư phạm Toán trường tuyển 35 chỉ tiêu nhưng số đăng ký xét tuyển chưa tới 10 em. "Các em này có nhập học hay không, tôi cũng chưa dám chắc", ông Nguyện nói.
Theo phân tích của Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên, dù ngành Sư phạm Toán, Tin, Lý, Hoá, Sinh chỉ lấy 15,5 điểm, nhưng chỉ tiêu tuyển vẫn thiếu rất nhiều. Ngành Sư phạm Tin tuyển 40 chỉ tiêu thì có 3 thí sinh đỗ với mức điểm 17-20. Ngành Sư phạm Vật lý có 60 chỉ tiêu nhưng số trúng vào mới được 22, trong đó 5 thí sinh có mức điểm xét tuyển 15,5-16,75.
Nhà trường cho biết, khu vực tuyển sinh của trường là các tỉnh miền núi phía Bắc. Nơi này rất ít thí sinh đăng ký thi môn tổ hợp khoa học tự nhiên nên nguồn tuyển bị hạn chế. Để bảo đảm tuyển đủ chỉ tiêu, các trường sư phạm xác định điểm chuẩn của một số ngành bằng ngưỡng bảo đảm chất lượng của Bộ GD&ĐT.
Học sinh kém mặn mà do đâu?
Lý giải nguyên nhân khiến ngày càng có ít học sinh có học lực giỏi và xuất sắc ở bậc THPT “đầu quân” vào ngành sư phạm, đa phần các ý kiến đều cho rằng, do cơ chế tuyển dụng vào ngành sư phạm hiện nay khá cứng nhắc và tồn tại nhiều tiêu cực.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: So với mặt bằng thu nhập trong xã hội thì thu nhập của giáo viên chưa phải là cao, trong khi áp lực từ phía xã hội đối với người giáo viên ngày càng lớn. Không ít giáo viên phải “chân ngoài dài hơn chân trong” Điều đó khiến ngành sư phạm kém hấp dẫn với những học sinh xuất sắc từ THPT.
Theo PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, hiện tại, thí sinh thích các ngành khác có triển vọng hơn. Trong khi chất lượng đầu ra ngành sư phạm chưa được bảo đảm, việc tăng chất lượng đầu vào rất khó.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thị Kim Phụng cũng thừa nhận, những ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm như miễn học phí, phụ cấp thâm niên nghề... "chưa đủ mạnh để cạnh tranh với ngành khác". Ngoài ra, tâm lý xã hội, xu hướng ngành nghề, nhu cầu nhân lực các ngành... cũng tác động khiến học sinh chưa thực sự hứng thú với nghề giáo để đăng ký học và trường địa phương buộc phải lấy mức chuẩn bằng điểm sàn.
Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, muốn thu hút người giỏi vào sư phạm, cần phải làm một cuộc cách mạng từ tuyển sinh-đào tạo; tuyển dụng-sử dụng; chọn lọc và cuối cùng lã đãi ngộ. Đặc biệt, phải đặt đúng giáo dục là “quốc sách hàng đầu”.
Theo Chinhphu.vn