Nộp phí định giá tài sản trong giải quyết án dân sự: Cần có quy định phù hợp thực tiễn
Ðể thực hiện việc thẩm định, định giá tài sản khi giải quyết tranh chấp về tài sản, theo quy định, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá. Trong trường hợp bản án sơ thẩm bị tòa cấp trên tuyên hủy, phải xử lại, đương sự phải nộp lại khoản phí này. Ðiều này đang là bất cập, làm nảy sinh một số vấn đề trong giải quyết án dân sự.
Ảnh minh họa
Đối với các vụ án dân sự tranh chấp về tài sản, theo quy định, kết quả thẩm định, định giá chỉ có giá trị trong 6 tháng. Như vậy, nếu quá 6 tháng từ phiên tòa sơ thẩm đến khi tòa cấp trên xét xử phúc thẩm, thì buộc phải thẩm định giá lại lần nữa, chi phí do các bên đương sự tiếp tục chịu. Điều này khiến những người liên quan không đồng tình.
Đơn cử trường hợp tranh chấp tài sản giữa ông Võ B. và bà Trần Thị Th. (huyện Hoài Nhơn) bắt đầu xảy ra từ giữa năm 2016, đến nay vẫn chưa được giải quyết xong. Khi hai bên phát sinh tranh chấp, ông B. đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản tại tòa cấp sơ thẩm. Sau đó, khi vụ án được chuyển tòa cấp trên xử phúc thẩm thì tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu xử lại vì chứng cứ chưa đủ. Và để tiếp tục giải quyết vụ việc, ông B. phải nộp tạm ứng một lần nữa chi phí định giá. Ông B. không đồng ý về việc này với lý do: “Việc bản án bị hủy không phải lỗi của chúng tôi, cũng không phải do bên thẩm định, định giá, nên yêu cầu tôi phải tiếp tục nộp tiền thẩm định giá là vô lý”. Vì các bên đương sự không đồng ý đóng tiền để thẩm định, định giá nên tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, và tranh chấp giữa ông B. với bà Th. vẫn kéo dài, đến nay là hơn 1 năm.
Trong tranh chấp dân sự, nếu hai bên nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận được với nhau về giá trị tài sản tranh chấp thì tòa án sẽ chấp nhận mà không cần đến đơn vị định giá hoặc hội đồng thẩm định. Nhưng hầu như, rất ít trường hợp có thể thỏa thuận được, nên tòa thường yêu cầu nguyên đơn nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định giá đối với tài sản để có căn cứ giải quyết vụ việc. Tại khoản 3 Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Nguyên đơn, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản để ràng buộc trách nhiệm của đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp chi phí định giá tài sản”. Điểm đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định rõ: “Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau: Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và các chi phí tố tụng khác theo quy định của bộ luật…”.
Về vấn đề này, luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh, cho rằng: “Theo tôi, tòa án yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí định giá là có cơ sở, tuy nhiên để vừa đảm bảo tính pháp lý cũng như tạo điều kiện cho đương sự, cần có văn bản hướng dẫn, xử lý vấn đề trên nhằm tránh thiệt thòi, tốn kém cho đương sự trong quá trình giải quyết vụ án. Hoặc khi tòa án cấp sơ thẩm thụ lý xét xử lại vụ án theo trình tự sơ thẩm thì triệu tập các đương sự đến tòa làm việc, nếu các đương sự thống nhất giữ nguyên kết quả thẩm định giá trước đây thì không cần định giá lại”.
Tại buổi tiếp xúc giữa cử tri huyện Hoài Nhơn với ĐBQH Phùng Xuân Nhạ mới đây, cử tri Phạm Dân cũng kiến nghị cần cụ thể chế định về tạm ứng chi phí định giá, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, bởi luật không quy định phải nộp bao nhiêu lần. “Nếu đương sự không nộp lại chi phí thẩm định giá tài sản với lý do nguyên nhân hủy án không phải lỗi của họ, trong trường hợp này, tòa án ra quyết định đình chỉ vụ việc, không giải quyết. Hoài Nhơn đã có tình trạng này, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đơn thư khiếu nại vượt cấp”, ông Dân thông tin.
K.ANH