Ý thức cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phải khơi dậy trong ý thức của cộng đồng, mà Quảng Nam và Lào Cai là ví dụ.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong 10 nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 5, khóa 8. Sau 15 năm thực hiện, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận: 7 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh; nhiều di tích được đầu tư tôn tạo, không ít những giá trị văn hóa phi vật thể được phục hồi và trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh.
Người dân phải sống bằng du lịch
70% người dân của thành phố Hội An sống bằng du lịch và cùng tham gia vào việc chia sẻ lợi ích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - đó là kết quả không hề nhỏ và góp phần lý giải vì sao tỉnh Quảng Nam là một điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn, hơn 300 di sản cấp quốc gia và cấp tỉnh. 10 năm trở lại đây, bên cạnh thực hiện đề án bảo tồn giá trị văn hóa, đề án phát triển du lịch, tỉnh còn đề ra Nghị quyết phát triển lồng ghép văn hóa và du lịch để phát triển bền vững, tạo cơ sở cho các địa phương khác học tập.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho chống xuống cấp và tu bổ di tích được tỉnh Quảng Nam áp dụng theo mô hình xã hội hóa. Như Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự đã từng nói: “Chúng tôi muốn làm giàu lâu dài”.
Kinh nghiệm làm giàu lâu dài ấy chính là bảo tồn gắn với phát triển bền vững để thế hệ sau có thể nối tiếp. Chính vì thế, Hội An đã trở thành điểm đến hút khách, một điển hình trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ một địa phương chỉ có 8 phòng khách sạn, đến nay tỉnh Quảng Nam đã có hơn 6.000 phòng khách sạn, mỗi năm đón khoảng 2,8 triệu lượt khách. Điều quan trọng trong công tác bảo tồn là người dân ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó có cách ứng xử hợp lý với di sản.
Ông Đinh Hài cũng cho biết thêm, việc phát huy giá trị di tích ở Quảng Nam đã đạt được một số hiệu quả, trong đó là sự gắn kết giá trị di tích với việc phát triển kinh tế địa phương, thông qua phát triển du lịch để thu hút các nhà đầu tư. Ngược lại, nhờ vào bảo tồn di tích mà tỉnh đã tạo ra nét riêng cho phát triển du lịch. Nét riêng đó đã làm cho giá trị về mặt tài nguyên du lịch được nhân lên và du khách đến với Quảng Nam không chỉ tăng về số lượng mà còn rất hài lòng về bản sắc riêng của địa phương đó.
Văn hóa thúc đẩy kinh tế
Đối với các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng, việc phát triển văn hóa sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Hay nói đúng hơn, văn hóa thúc đẩy kinh tế, điển hình nhất là làm du lịch. 15 năm trước, tỉnh Lào Cai mỗi năm chỉ đón được khoảng 50.000 người/ năm. Đến nay, số lượng khách trong nước và quốc tế đến Lào Cai cao hơn nhiều lần so với các tỉnh lân cận.
Năm 1998, thôn Cát Cát, Sín Chải (San Sả Hồ - Sa Pa) là những nơi đầu tiên ở Lào Cai thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay, hầu hết các địa phương của tỉnh Lào Cai đều vận dụng mô hình du lịch cộng đồng để xóa đói, giảm nghèo.
Bản Dền - Sa Pa, Tà Chải - Bắc Hà trong 3 năm nay làm giàu nhờ du lịch và phát huy bản sắc dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm của người Mông, người Dao được khôi phục thay vì phải mua của Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Nhiều chính sách văn hóa ở Lào Cai đã được địa phương khác học tập. Cụ thể là: Chính sách “Hưng biên phú dân” - tập trung giải quyết vấn đề làm thế nào để dân hay nhóm dân tộc thiểu số sống dọc biên giới giàu lên, vốn được ca ngợi là quốc sách của Trung Quốc, nhưng thực ra là học tập chính sách văn hóa và giáo dục của ta ở Tả Phìn - Lào Cai.
Việc bảo tồn sách cổ người Dao ở Lào Cai được kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ bảo tồn tiên tiến với các hình thức bảo tồn dân gian như: mở lớp học chữ Nôm Dao, chụp ảnh kỹ thuật số, hình thành ngân hàng dữ liệu kho sách cổ người Dao trên địa bàn tỉnh… Nhờ đó, Lào Cai đã giảm hẳn tình trạng bán sách cổ cho người nước ngoài, lớp trẻ được tiếp cận, thực hành tìm hiểu sách cổ, được nhiều địa phương học tập làm theo.
Cần đồng bộ giữa bảo tồn với quy hoạch
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương, 5 khóa 8, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đang cần một kế hoạch dài hạn, tránh sự bị động. Thực tế cho thấy, chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích với quy hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội.
Sau những sự việc như người dân ở làng cổ Đường Lâm - Hà Nội, phố cổ Đồng Văn - Hà Giang đòi trả lại danh hiệu di sản; việc xây dựng thủy điện, nhà máy không kiểm soát gây mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa, môi trường xảy ra nhiều nơi… khiến cho câu chuyện kết hợp phát triển kinh tế song song với phát triển văn hóa, đảm bảo tính bền vững tiếp tục được đặt ra cho các nhà quản lý văn hóa.
Thiết nghĩ, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phải khơi dậy trong ý thức của cộng đồng chứ không chỉ dừng lại ở việc nêu tên một vài điểm sáng.
Theo Phương Thúy (VOV)