“Chốt” diện tích cây điều đến năm 2020 ổn định 5.000 ha
Cây điều ở tỉnh ta từng được xem là “cây xóa đói, giảm nghèo”, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho một bộ phận nông dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh liên tục giảm trong những năm gần đây.
Cây điều cho năng suất cao khi được chăm sóc đúng quy trình.
- Trong ảnh: Mô hình thâm canh cây điều ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh.
Nếu như diện tích trồng cây điều toàn tỉnh năm 2006 là 19.977 ha thì đến năm 2010 diện tích điều toàn tỉnh chỉ còn 13.962 ha, giảm gần 6.000 ha (diện tích giảm bình quân 1.500 ha/năm); đến năm 2016, diện tích điều toàn tỉnh còn gần 4.585 ha, giảm hơn 9.000 ha so với năm 2010.
Xác định nguyên nhân diện tích cây điều giảm mạnh, ông Nguyễn Bá Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN&PTNT) cho rằng: Thứ nhất, đa số diện tích điều phá bỏ là do trồng từ hạt, già cỗi, sinh trưởng phát triển kém, trồng trên đất đồi, nương rẫy, nông dân ít đầu tư, nên cây điều cho năng suất quá thấp, chỉ đạt trên 4 tạ/ha, chỉ bằng 1/3 năng suất điều của vùng Đông Nam bộ. Thứ hai, đa số diện tích điều trong tỉnh được trồng trên đất xấu, đồi gò, nương rẫy, độ dốc lớn, đất hoang hóa bạc màu, mùa mưa ngắn lượng mưa tập trung gây xói mòn đất, mùa khô kéo dài và nắng nóng gay gắt nên thiếu nước khó có điều kiện thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, dẫn đến hiệu quả sản xuất kém. Thứ ba, chưa gắn kết một cách chặt chẽ giữa “4 nhà” trong quá trình phát triển cây điều; giá cả bấp bênh và có thời điểm xuống rất thấp; việc ứng dụng giống tốt còn chậm và hạn chế; một số giống và mô hình đạt năng suất cao còn ở trong phạm vi hẹp; kinh phí đầu tư cho chương trình nghiên cứu, khuyến nông cây điều hàng năm chưa được chú trọng đúng mức.
Theo quy hoạch phát triển ngành Trồng trọt tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ chuyển toàn bộ diện tích điều trồng trên đất lâm nghiệp kém hiệu quả không có điều kiện thâm canh sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ giữ lại những diện tích điều ở những nơi có điều kiện tưới, thổ nhưỡng phù hợp, tăng cường đầu tư thâm canh, trồng xen cây trồng khác dưới tán điều để nâng cao thu nhập cho nông dân. Quy hoạch diện tích cây điều đến năm 2020 ổn định 5.000 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Phù Cát 2.400 ha và Vĩnh Thạnh 1.100 ha, chiếm 70% diện tích điều cả tỉnh.
Về chế biến, hiện toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu và hàng chục cơ sở nhỏ chuyên gia công, với tổng công suất chế biến đạt khoảng 10.000 tấn/năm, xuất khẩu sang 7 thị trường chính, như Hoa Kỳ (27-29%), Hà Lan (16-17%)...Tuy nhiên, sản lượng điều toàn tỉnh năm 2016 khoảng trên 2.800 tấn, chỉ mới đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu nguyên liệu chế biến. Do vậy, việc xác định phương hướng, giải pháp phát triển cây điều, phát triển sinh kế bền vững cho người trồng điều trong thời gian đến là hết sức cần thiết.
ÐINH VĂN TOẠI