Lát đá granite vỉa hè một số tuyến đường TP Quy Nhơn: Cần giải pháp xử lý hài hòa
Gần đây, nhiều tuyến đường ở khu vực ven biển và trung tâm TP Quy Nhơn được cải tạo, chỉnh trang vỉa hè bằng cách lát đá granite. Ðiều này góp phần làm cho diện mạo đô thị khang trang hơn song cũng bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi phải tìm giải pháp xử lý hài hòa.
Nâng tầm mỹ quan đô thị
Ông Nguyễn Bảo Nguyên, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn, cho biết, UBND thành phố bắt đầu triển khai lát đá granite vỉa hè vào năm 2015. Theo số liệu thống kê sơ bộ, đối với vỉa hè 7/10 tuyến đường do thành phố đã, đang và sẽ đầu tư lát đá, tổng diện tích vỉa hè được lát đá là 29.066 m2; chi phí bình quân từ 1,25 - 1,3 triệu đồng/m2.
Thi công lát đá granite vỉa hè đường Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Việc lát đá granite là một phần trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của UBND TP Quy Nhơn, trên cơ sở chương trình hành động về chỉnh trang đô thị do Thành ủy ban hành. Theo đó, vỉa hè một số tuyến đường chính ở khu vực trung tâm thành phố và đường nhánh hướng ra biển được thay gạch block và gạch con sâu đã xuống cấp bằng đá granite, nhằm đồng bộ với một vài công trình đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho một số đơn vị khác đầu tư lát đá trước đó. “Ngoài ra, các tuyến đường này sẽ phục vụ phát triển du lịch nên cần được tập trung chú trọng chỉnh trang”, ông Nguyễn Thái Diễn, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư - xây dựng TP Quy Nhơn, giải thích thêm.
Theo ông Nguyên, việc lát đá dĩ nhiên không phải không có hạn chế, nhưng lợi ích vẫn hơn lát gạch. Nếu đơn vị thi công thực hiện đúng với hồ sơ thiết kế và người dân có ý thức bảo quản tốt thì vỉa hè lát đá chắc chắn sẽ bền hơn. Vỉa hè lát gạch block dễ bị sụt lún do nước mưa gây xói lớp cát đệm bên dưới; hàng năm, các đơn vị quản lý phải rà soát, sửa chữa. Hơn nữa, trong quá trình lát đá, UBND thành phố còn kết hợp chỉnh trang cây xanh, cộng với bề mặt vỉa hè lát đá bằng phẳng nên tạo cảm giác rộng rãi hơn. Các hộ dân trên những tuyến đường có vỉa hè lát đá đều rất ủng hộ.
Cần giải pháp hài hòa
Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng bộ môn Địa lý tự nhiên và môi trường thuộc Khoa Địa lý - Địa chính, Trường ĐH Quy Nhơn, cho rằng, không thể phủ nhận việc lát đá vỉa hè có ưu điểm là dễ vệ sinh, làm cho cảnh quan đô thị sạch đẹp hơn và giúp giảm nồng độ bụi ở tầng thấp. Tuy nhiên, phương pháp lát khít, sử dụng lớp đệm vữa thay cho đệm cát sỏi có 2 nhược điểm lớn là cản trở nước mưa thấm tự nhiên xuống đất, từ đó gây sụt giảm lượng nước ngầm; đồng thời, làm gia tăng nền nhiệt ở đô thị vì bê tông có tính giữ nhiệt cao. Ngoài ra, bê tông hóa và “đá hóa” vỉa hè còn làm gia tăng nồng độ bụi ở tầng cao vì không còn lớp đất ẩm hay cây cỏ để hút giữ bụi ở tầng dưới.
Đồng quan điểm với giảng viên Nguyễn Thị Huyền, ông Nguyễn Công Thành, chuyên gia trong lĩnh vực cấp thoát nước, nhận xét, việc thiết kế và xây dựng lớp vữa đệm bên dưới viên đá lát không cho phép nước mưa thấm xuống nền đất. Vì vậy, nó làm giảm lưu lượng nước mưa chảy về cống thoát nước nhưng tăng lượng nước chảy tràn trên bề mặt đất. Trường hợp cống thoát nước không đủ lớn thì đường sẽ ngập. Ngược lại, nếu tính toán hệ thống cống thoát mưa với kịch bản mưa lớn cực đại thì kích thước cống phải cực lớn, dẫn đến tăng chi phí đầu tư hệ thống thoát nước.
“Vì vậy, giải pháp tối ưu là nên để một phần (khoảng 20%) lượng nước mưa thấm xuống vỉa hè, quảng trường, thay vì chảy hết về cống thoát nước. Để một phần nước mưa thấm xuống đất cũng giúp cân bằng sinh thái, bổ sung nước cho tầng nước ngầm, giảm nguy cơ sụt lún nền đất ở đô thị do nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Vỉa hè lát bằng vật liệu gì cũng được, tùy thuộc vào điều kiện nguồn vốn của dự án, nhưng mấu chốt là phải có những khoảng trống đóng vai trò “cửa sổ” cho nước mưa thấm xuống đất. Không nên bê tông hóa toàn bộ vỉa hè hay quảng trường”, ông Thành phân tích.
Điều chỉnh để hạn chế các nhược điểm
“Ở các quốc gia khác như Malaysia, Singapore, vỉa hè thường được lát theo kiểu có khe hở giữa các viên gạch. Sát mép hè có dải trồng hoa, cây xanh chiếm khoảng 1/5 diện tích vỉa hè và được thiết kế sao cho nước có thể chảy về đó. Điều này vừa cho phép nước thấm xuống dưới vừa giúp giảm nhiệt độ trên đường phố; đồng thời giảm bớt áp lực lên hạ tầng thoát nước mưa. Các trạm thu gom nước thải có thêm thời gian để xử lý nước thải dân sinh thay vì phải gánh phần xử lý nước mưa dư thừa. Vỉa hè ở thành phố chúng ta cũng được bố trí bồn hoa, cây xanh nhưng theo tôi là chưa đủ”, giảng viên Huyền chia sẻ.
Chính ông Nguyên cũng thừa nhận nhược điểm không thấm nước của vỉa hè lát đá granite và rất khó tháo gỡ để lắp đặt hạ tầng cấp thoát nước sau đó. Vì vậy, công tác lắp đặt, đấu nối hạ tầng ngầm như đường ống cấp thoát nước phải được lường trước và chủ động triển khai trước khi lát đá vỉa hè. Tỉ lệ đá granite tái sử dụng sau khi tháo gỡ cũng hạn chế.
Ông Nguyên cho biết thêm, một số cơ quan chuyên môn đã định hướng nên lát vỉa hè mang tính thấm. Có thể sau này vẫn sử dụng vật liệu đá granite để lát vỉa hè, nhưng sẽ nghiên cứu lại phương án thiết kế và thi công cho phù hợp như tăng độ dày hoặc thu nhỏ kích thước viên đá. Có thể là lát theo kiểu từng mảng đá granite đệm vữa xen kẽ với mảng đệm cát sỏi hoặc mảng đất trồng cỏ... Nếu các đơn vị tư vấn có ý tưởng mới thì ngành chức năng của thành phố sẽ tham khảo ý kiến chuyên môn từ các sở, ngành của tỉnh có liên quan.
Các tuyến đường do UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư lát đá granite vỉa hè: Ðường Xuân Diệu (năm 2015); đường Trần Phú (đoạn từ Tăng Bạt Hổ - Lý Thường Kiệt), Lê Hồng Phong và Lê Thánh Tôn (năm 2016); đường Trần Cao Vân, Lê Lợi và Ngô Mây (đang thi công); đường Phan Ðăng Lưu, Ngọc Hân Công chúa và Tây Sơn (đang làm thủ tục chuẩn bị đầu tư thực hiện).
Các công trình đã được các đơn vị khác đầu tư lát đá: Khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành; vỉa hè trục đường An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Huệ và Trần Phú (đoạn từ Nguyễn Huệ - Tăng Bạt Hổ).
TỐ UYÊN
Nội dung: Trước nhà tôi (địa chỉ số 01 Tôn Đức Thắng, phường Lí Thường Kiệt, tp Quy Nhơn) có 02 hố cáp ngầm (vì qua cua đường Hà Huy Tập và Tôn Đức Thắng), hôm nay (12/03/2020) có thay và lắp đặt khung sắt nắp mới, nhưng sau khi lắp đá granite tôi thấy không thể mở nắp này được vì các anh thợ chèn hồ kỉ sát khung. Tôi nghĩ, nếu sau này phải mở nắp cáp ngầm có thể không được hoặc được thì phải vỡ tung nền granite và bên cáp ngầm sẽ không có điều kiện làm lại. Có thể tôi không hiểu hết về kỉ thuật, thiết kế của bên thi công, nhưng tôi nghĩ bên thi công nên xem lại để sáng mai (ngày13/03/2020) các anh thợ làm nốt nắp thứ hai. Xin chào và xin cảm ơn.