Các đoàn bài chòi dân gian, tuồng không chuyên với bảo tồn, phát huy di sản: Cơ hội mới, hy vọng mới
So với các đoàn dân ca bài chòi, tuồng chuyên nghiệp được ngân sách bao cấp, việc mưu sinh của các CLB bài chòi dân gian, các đoàn tuồng không chuyên nhọc nhằn hơn nhiều. Tới đây, khó khăn ấy phần nào đó sẽ được giảm nhẹ nhờ Ðề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát bội, Bài chòi trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2020 (gọi tắt là Ðề án) đang được tích cực triển khai.
Hy vọng với Đề án này, tuồng không chuyên sẽ được hỗ trợ để xây dựng lực lượng kế cận, đảm bảo tính kế thừa.
- Trong ảnh: Một buổi biểu diễn của đoàn tuồng Trần Quang Diệu tại TX An Nhơn.
Với đặc thù hoạt động nghệ thuật theo phương thức dân lập, hoàn toàn lấy nghề nuôi nghề, trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống ngày càng ít khán giả, tất cả các nghệ nhân bài chòi dân gian (BCDG), nghệ sĩ tuồng không chuyên (TKC) đều vất vả. Họ là “nghệ sĩ chân đất” vì vừa làm nông, làm thợ, buôn bán… vừa hoạt động nghệ thuật. Tuy khác nhau về phương thức hoạt động, lại không được giao nhiệm vụ giữ gìn di sản như các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, song không thể phủ nhận rằng, sự tồn tại của dòng chảy dân gian, nghiệp dư đã đóng góp rất lớn cho công tác bảo tồn, phát huy di sản cũng như làm phong phú di sản, chứng tỏ sức sống của hai loại hình trên ở Bình Định.
Ðóng góp lớn, khó khăn về hoạt động
Theo thống kê của Sở VH&TT, hiện cả tỉnh có 28 CLB BCDG với 176 nghệ nhân, trong đó số thực hành hô thai là 80 người, số có khả năng truyền dạy là 50 người. Ở mảng TKC, hiện Bình Định còn 10 đoàn TKC đang hoạt động, trong đó có 5 diễn viên đã được công nhận nghệ nhân ưu tú, số nghệ nhân có khả năng truyền dạy lên đến 200 người.
So với TKC, “tương lai” của BCDG có phần sáng sủa hơn. Lớp nghệ nhân cũ hiện còn rất ít nhưng số mới được đào tạo, bổ sung lại rất nhiều, hơn nữa, về mặt khách quan, loại hình này dễ phổ biến, dễ thực hành hơn, do vậy cơ hội di sản được kế tục, phát huy lớn hơn.
Trong khi đó, hơn 10 năm qua, TKC lâm vào cảnh không có diễn viên trẻ để kế cận, nguy cơ phải “rã gánh” sau khi thế hệ diễn viên hiện tại nghỉ diễn là rất gần. Đây là vấn đề mà cả 10 đoàn TKC trong tỉnh đều mắc phải và bế tắc.
Trưởng đoàn Hoàng Minh, Đoàn TKC Phước An (Tuy Phước) chia sẻ: “Để được hát tuồng, qua đó góp phần giữ gìn tổ nghiệp cha ông, chúng tôi chấp nhận vất vả. Điều chúng tôi tha thiết lúc này là làm sao để có lớp trẻ chịu học tuồng, để nối dài đời sống của những đoàn TKC trong tỉnh. Tìm người, dạy miễn phí, đoàn nào cũng làm hết rồi, song chẳng được mấy người, chẳng duy trì bao lâu. Có lẽ phải có chính sách khuyến khích, ưu đãi gì đó đi kèm thì may ra. Mà điều này thì nằm ngoài khả năng của các đoàn…”.
Hy vọng
2/4 mục tiêu cụ thể của Đề án, là: Đào tạo lớp nghệ nhân kế cận tại các CLB bài chòi, đoàn hát bội, làng hát bội nhằm kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay trong việc truyền dạy lớp trẻ tại cộng đồng; xây dựng và phát triển các CLB hát bội, bài chòi trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2020 trên cả tỉnh có 15 CLB hát bội, 40 CLB bài chòi.
Cùng với đề án về bảo tồn, phát huy võ cổ truyền Bình Định, theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Trương Đông Hải, trong công tác bảo tồn, phát huy 3 di sản của Bình Định đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây được xem là đợt thực hiện toàn diện và quy mô nhất. Đề án (dành cho Hát bội, Bài chòi) đang trong quá trình triển khai (xây dựng kế hoạch chi tiết trình Ban chỉ đạo Đề án), trong đó, chủ trương là quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy và bố trí kinh phí thỏa đáng cho mảng BCDG và TKC.
“Về hướng bố trí kinh phí, tinh thần là sẽ giao trực tiếp cho các CLB bài chòi, đoàn hát bội để sử dụng hiệu quả, có sự tham gia, giám sát của cộng đồng dân cư - chủ thể văn hóa. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Đề án đảm nhiệm việc kiểm tra, đánh giá về hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy”, ông Trương Đông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, nằm trong kế hoạch triển khai Đề án, Sở VH&TT đang xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nghệ nhân hát bội, BCDG Bình Định, dự kiến cuối năm 2017, các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và một số nghệ nhân đặc biệt khó khăn trong tỉnh đều được hướng dẫn lập hồ sơ hưởng cơ chế đặc thù để được trợ cấp hàng tháng.
Ðể thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Ðề án đề ra rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có thể kể đến: truyền dạy nghệ thuật hát bội, bài chòi trong cộng đồng dân cư, trường học; hỗ trợ địa điểm, trang thiết bị cho các đoàn hát bội, CLB bài chòi; xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đoàn hát bội, CLB bài chòi; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các đoàn hát bội, CLB bài chòi về nâng cao chất lượng truyền dạy di sản trong cộng đồng; nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương có đoàn hát bội, CLB bài chòi; định kỳ tổ chức liên hoan tuồng, BCDG trên địa bàn tỉnh (3 năm/lần); mở các trại sáng tác câu thai...
SAO LY