Một bậc thầy trong nghề thợ ngọn
Gắn bó cả đời với nghề thợ ngọn (thợ nề - đắp vẽ - cẩn miểng), lão nghệ nhân Lê Tấn Lai (tên thường gọi Sáu Hiệp, SN 1937 tại thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) đã đặt dấu ấn của mình lên hàng ngàn công trình đình, chùa, đền, miếu. Ông là nghệ nhân cao niên nhất, được người trong giới đánh giá là bậc thầy nghề thợ ngọn ở Bình Ðịnh.
Nghệ nhân Lê Tấn Lai bên tác phẩm song long do ông thực hiện tại một ngôi chùa ở quê hương ông.
Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trông dáng người ông Sáu Hiệp vẫn còn nhanh nhẹn, dù trước đó ông đã từng trải qua cơn tai biến nhẹ. Từ lúc 15 tuổi, chàng trai Lê Tấn Lai đã theo cha học nghề thợ ngọn, bắt đầu từ việc vẽ mẫu các hoa văn trang trí, mẫu phù điêu, linh vật, phong cảnh, kỹ thuật phối màu, đến khi thuộc lòng mới được cha cho cầm bay tập đắp từng nét một. Sau 7 năm theo cha vừa học vừa làm nghề khắp nơi, ông Sáu Hiệp nắm bắt và thuần thục tất cả các kỹ thuật nghề thợ ngọn.
Sau nhiều năm chựng lại, khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, nghề thợ ngọn phát triển trở lại. Nhu cầu xây dựng, trùng tu, sửa chữa các công trình văn hóa tâm linh, tôn giáo ngày càng nhiều, thợ ngọn giỏi nghề lại ít, ông Sáu Hiệp làm không hết việc.
Trong nghề thợ ngọn, kỹ thuật khó nhất đó là cẩn mẻ (khảm sành sứ). Để có được các hình tượng long, lân, quy, phụng hay những con giao, con nghê, hoa văn trang trí…, người thợ sử dụng các mảnh vỡ của đồ gốm, cắt gọt ra từng mảnh theo ý, rất cầu kỳ, sao cho mỗi miếng nguyên liệu khi được gắn lên vừa khít với nhau, không bị lộ mạch vữa.
Nói về nghề của mình, ông Sáu Hiệp trải lòng: “Tôi chưa thấy thợ ngọn nào giàu có cả! Nhưng ai thạo việc đều đủ ăn, đủ mặc, đảm bảo cuộc sống ổn thỏa. Muốn thành thợ giỏi có lẽ cần một chút năng khiếu. Nếu không, dù có học 5 - 7 năm có khi cũng không làm được tác phẩm đẹp. Khác với nhiều nghề thợ khác, khi thực hiện tác phẩm, thợ ngọn phải rung động, phải thích thú việc mình làm thì may ra mới có tác phẩm đẹp! Mà muốn vậy thì phải học từ những nét cơ bản, chậm rãi. Có đi thì mới đến”.
Cũng những linh vật ấy, những long, lân, quy, phụng, những hoa văn trang trí đã quen thuộc nhưng mỗi tay thợ sẽ cho ra những tác phẩm mang đường nét riêng. Hai thợ học cùng một thầy nhưng mỗi người sẽ có đường nét, vóc dáng, hồn vía riêng. Ấy là chuyện bình thường, miễn là đẹp. Làm được nhiều tác phẩm đẹp nên không chỉ trong tỉnh, ông Sáu còn ruổi rong khắp nơi như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum….
Ông Sáu Hiệp thổ lộ: “Làm nghề không vì lời khen mà tự cao, tự phụ; vì bị chê mà tự ái. Ai chịu nghe lời chê đúng, mà chịu sửa thì mau giỏi lắm. Tôi rất mừng là con trai tôi nối được nghề của gia đình. Đó là điều khiến tôi rất mãn nguyện!”.
ÐOAN NGỌC
Thật tự hào về ông tôi