Bùng nổ sân cỏ nhân tạo
Vài năm gần đây, các sân cỏ nhân tạo được xây dựng khá nhiều từ TP Quy Nhơn cho đến các huyện. Ngay cả địa bàn miền núi Vĩnh Thạnh cũng đã có sân cỏ nhân tạo. Sự hiện diện của các sân cỏ nhân tạo từ phố về quê là tín hiệu tốt cho bóng đá phong trào, nhưng đằng sau nó còn nhiều bất cập.
Đến nay, chỉ riêng TP Quy Nhơn đã có khoảng 30 sân cỏ nhân tạo, hoạt động mạnh phải kể đến sân Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, sân Làng bóng đá Đông Dương… Song hành với sự ra đời ồ ạt các sân cỏ nhân tạo là các CLB tự phát, phần lớn chỉ một nhóm tập hợp trên dưới 10. Điều đáng nói là phần lớn các CLB này không có đơn vị chủ quản và việc lấy tên cho các CLB cũng tùy hứng, thậm chí nhiều CLB chọn những tên khá phản cảm, như: CLB Lão Đại, CLB Bụi đời…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay, vấn đề quản lý các CLB nói trên cũng như các sân cỏ nhân tạo trên địa bàn tỉnh vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Đinh Khắc Diện, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Về số lượng, chúng tôi nắm được thông tin sân cỏ nhân tạo trên địa bàn thông qua báo cáo của các địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng ra sao và hoạt động như thế nào thì từ trước đến giờ không quản lý”.
Rõ ràng, việc xây dựng sân cỏ nhân tạo, ngành chức năng chỉ biết con số khi nó hình thành chứ không biết chính xác là các sân này được xây dựng và hoạt động ra sao. Ngành chức năng nên có một hành lang pháp lý quy định cho việc xây dựng sân cỏ nhân tạo. Các nhà đầu tư cần phải trình dự án và những yêu cầu chuẩn cho một sân cỏ nhân tạo. Đây là việc làm cần thiết để tránh tình trạng sân cỏ nhân tạo xây dựng ồ ạt, nhưng kiểm lại thì không đủ chuẩn, xây dựng gần khu vực dân cư, trường học, bệnh viện. Đó là chưa kể, các sân này còn phải đảm bảo các công trình phụ trợ, như khu vệ sinh, khu thay đồ, lưới rào để tránh bóng bay ra ngoài có thể gây tai nạn…
Một vấn đề khác hiện đang tồn tại xung quanh việc ra đời các sân cỏ nhân tạo, đó là các sân được xây trái phép trên nền đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Đối với các sân cỏ nhân tạo ở TP Quy Nhơn, phần nhiều được xây dựng trên mặt bằng thuộc đất của các cơ quan. Đơn cử, sân Làng bóng đá Đông Dương được xây dựng trên nền đất thuê của Đại đội Thiết giáp 74 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh); sân Hàng Không được xây dựng trên đất thuộc Phòng vé Cảng Hàng Không Quy Nhơn… Đối với các huyện, sân cỏ nhân tạo chủ yếu được xây dựng trên nền đất vườn, đất thổ cư. Chỉ một số ít sân thuộc Trung tâm TDTT Hà Thanh (huyện Tuy Phước), hoặc sân cỏ nhân tạo ở huyện Vĩnh Thạnh… được xây dựng ngay trên chính mặt bằng dùng cho thể thao.
Không thể phủ nhận sự ra đời của các sân cỏ nhân tạo đã góp phần tạo môi trường phát triển bóng đá phong trào và sân chơi cho người dân địa phương, song cần tính đến những bất cập trong công tác quản lý. Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Việc có nhiều sân cỏ nhân tạo được xây dựng là tốt cho phong trào bóng đá ở địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xem xét đến những vấn đề còn vướng mắc như: các CLB hình thành tự phát, việc chưa chuyển đổi mục đích đất sử dụng khi làm sân cỏ nhân tạo, để có biện pháp giải quyết”.
CÔNG TÂM