Công tác khuyến công: Góp phần phát triển công nghiệp nông thôn bền vững
Những năm qua, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn bền vững, công tác khuyến công cần được hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả. PV báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, về vấn đề này.
* Công tác khuyến công (KC) ở tỉnh ta thời gian qua đã đạt được hiệu quả tích cực, góp phần giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất (CSSX) ở khu vực nông thôn phát triển sản xuất. Theo ông, đâu là những kết quả đáng chú ý của công tác này?
- Chỉ tính khoảng hơn 5 năm trở lại đây, công tác KC đã mang lại những kết quả khả quan đối với các DN, CSSX, nhất là các DN, CSSX khu vực nông thôn… Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về công tác KC giai đoạn 2012-2016, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 86 chương trình, đề án KC, với tổng kinh phí trên 11,4 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,8%/năm. Trong đó, KC quốc gia thực hiện 18 đề án, kinh phí gần 5,7 tỉ đồng; KC địa phương thực hiện 68 đề án, kinh phí gần 5,8 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân đạt gần 27%/năm. Tiêu biểu trong số này là các chương trình, đề án KC, như: Tổ chức đào tạo, truyền nghề, khôi phục ngành nghề truyền thống, du nhập nghề mới cho lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
Cơ sở Trí Lực (Tuy Phước) sử dụng máy chà nhám thuộc Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ nội thất” từ kinh phí KC quốc gia năm 2017.
5 năm thực hiện NĐ 45/CP, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 9 đề án đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho 1.530 lao động nông thôn, 35 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ KHKT. Riêng năm 2017, kinh phí dành cho công tác KC trên địa bàn tỉnh tăng khá; trong đó, kinh phí KC quốc gia 1,1 tỉ đồng (tăng 22,2% so với năm 2016), kinh phí KC địa phương là 2,52 tỉ đồng (tăng gần 500 triệu đồng).
Bên cạnh thành quả đạt được, hoạt động KC thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Sự quan tâm của một số huyện về hoạt động KC chưa đầy đủ; có địa phương hầu như không có đề án KC trong năm; kinh phí KC còn ít, chủ yếu từ ngân sách nhà nước và DN, chứ chưa huy động được nguồn lực tài chính của các tổ chức tham gia, nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đồng thời, do nội dung hỗ trợ nhiều, rộng, nên kinh phí KC còn dàn trải, mức hỗ trợ còn thấp, chưa tập trung vào những nội dung trọng tâm; quy mô của một số đề án còn nhỏ, chưa đa dạng. Sự phối hợp triển khai tổ chức thực hiện giữa Trung tâm KC tỉnh, phòng chức năng của huyện và các DN, CSSX đôi lúc chưa được đồng bộ. Bên cạnh đó, một số DN, CSSX còn hạn chế trong việc xây dựng đề án KC để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, thời gian đăng ký danh mục và xây dựng đề án KC khá gấp nên một số DN, CSSX không kịp xây dựng đề án KC.
* Vậy Sở Công Thương sẽ có kế hoạch gì để khắc phục những hạn chế, phát huy ưu điểm, đưa công tác KC ngày càng phát triển?
- Sở Công Thương vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2651/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Chương trình KC tỉnh Bình Định đến năm 2020” nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu mà chương trình hướng tới là: Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động KC, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung chương trình hoạt động KC, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Chương trình gồm nhiều nội dung, như: Đào tạo, truyền nghề, phát triển nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phát triển hoạt động tư vấn; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời những cơ sở gây ô nhiễm môi trường; chương trình hợp tác quốc tế… Tổng kinh phí thực hiện chương trình khoảng 27,25 tỉ đồng.
* Ông có thể cho biết một số giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình KC tỉnh Bình Định đến năm 2020?
- Có một số giải pháp chủ yếu: Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động KC nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; từng bước xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác KC từ tỉnh đến cơ sở; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí KC đảm bảo đúng mục tiêu, quy định và đạt hiệu quả. Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản chính sách KC trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với mọi người dân. Ba là, phối hợp lồng ghép các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển KT-XH của tỉnh với kế hoạch KC; tích cực khai thác, tìm kiếm, phối hợp với các tổ chức, cá nhân để huy động các nguồn lực và nguồn vốn hợp pháp ngoài nguồn ngân sách cho hoạt động KC. Bốn là, kịp thời khen thưởng, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác KC và các cơ sở công nghiệp nông thôn sử dụng nhiều lao động.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)