Bà cụ bán trứng gà và các bà cụ ăn xin
Tôi gặp các cụ gần như hàng ngày ở khu chợ Đông Sân Bay, mà người dân vẫn quen gọi bằng cái tên cũ là chợ Quân Trấn. Đó là các cụ bà tầm tuổi bằng nhau, khoảng 74-75, cái tuổi mà lẽ ra chỉ ngồi nhà vui với con cháu.
Bà cụ bán trứng gà
Bà ở tận Nhơn Lý, một xã bán đảo phía Đông Bắc thành phố Quy Nhơn. Hàng ngày, bà gom trứng gà nhà mình và một vài nhà dân trong vùng, đón xe buýt hoặc xe ôm vượt chặng đường gần ba chục cây số, xách một giỏ nhựa. Bà không có gian hàng trong chợ. Gian hàng của bà là khoảnh đất nép dưới gốc cây sanh ở ven đường Trường Chinh, cách cổng chợ chừng năm chục thước. Bà trải một tấm nilon, rải lên đó mấy lọn rơm hay một mớ trấu và xếp trứng ở giữa. Bà bán lẻ, nhưng theo giá bán buôn. Giá trong chợ một chục trứng gà ta xấp xỉ ba mươi nghìn, bà chỉ bán khoảng hai lăm nghìn. Hỏi sao rẻ vậy, bà ngước lên cười: "Tui cũng có chút lời rồi, đủ mua chút rau chút thịt, với lại bán rẻ cho nhanh hết đặng về còn nấu cơm cho ổng ăn". "Ổng" là chồng của bà, ổng bịnh mấy năm nay không đi câu đi lưới được, thành thử bà phải kiếm đường mưu sinh, thế là đi bán trứng.
Với số trứng luôn lưng lửng trong cái giỏ nhựa được lót đệm rơm trấu, hôm ít thì năm bảy chục trứng, hôm nhiều thì trăm hai, trăm rưởi, đại loại chưa bao giờ đến số hai trăm. Tôi nhẩm tính mỗi buổi chợ bà kiếm chừng trăm bạc, hời lắm thì trăm rưởi là hết cót. Những hôm gom không có trứng, bà ở nhà nghỉ đã đành. Còn những hôm bán ế, bà buồn thiu. Cái nón lá hiu hiu trong nắng nỏ mưa dầm thiệt tội.
Bà cụ ăn xin 1
Bà cụ này ở huyện miền núi Vân Canh, nhưng nơi bà ở gần một thị trấn. Tôi không tiện nói rõ ngọn ngành nơi bà ở, vì sẽ khiến các con bà chạnh lòng, nếu họ còn biết chạnh lòng. Từ chỗ bà đến Quy Nhơn mất gần bốn mươi lăm phút xe buýt.
Bà nhỏ con, lưng hơi còng nhưng đẹp lão, mặt trái xoan, mắt to, mũi thẳng, miệng móm nhưng rất duyên. Bà ăn mặc rất tươm tất, chân đi guốc gỗ. Trông bà rất sạch sẽ và ... sang.
Vậy mà bà đi xin ăn hàng ngày. Của đáng tội, khi bà ngửa tay với nụ cười móm mém, không ai nỡ từ chối. Tôi còn nhớ hôm nào ra chợ, tôi cũng chừa lại mấy đồng lẻ để dúi cho bà lúc đi qua. Khi quay lại lối bà đứng, bà lại níu, tôi nhắc "vừa lúc nãy", bà bẽn lẽn cười.
Các chị hàng thịt hàng rau chợ Quân Trấn mến thương bà lắm. Bằng cách nào đó, qua một vài bạn hàng từ Vân Canh, các chị biết gia cảnh bà chứ bà không kể. Bà góa chồng sớm, một thân một mình nuôi con, dựng vợ gả chồng cho con xong, họ ra ở riêng, gần đấy thôi, nhưng không nuôi mẹ, kêu nhắn mỏi mê họ cũng không về. Khi lưng còng chân yếu, bà không đi làm thuê được nữa, phải chọn phương cách này.
Một hôm, tôi vừa bước vào chợ, bà níu hỏi: Đã 9 giờ chưa cô? Tôi nói gần 10 giờ rồi. Bà cuống quýt nhờ tôi chở giùm ra bến xe buýt. Lý do là bà phải về kịp để ra ủy ban xã nhận gạo hỗ trợ cho hộ nghèo. Tôi chưa kịp mua gì nhưng thấy bà khẩn khoản quá nên đưa bà đi. Lúc leo được lên xe buýt, bà cứ ngoái lại "ơn cô" đến mấy lần.
Vào khoảng trước tết năm ngoái thấy vắng bóng bà hơi lâu, tôi hỏi chị Thi hàng thịt, chị nói bà mất rồi.
Một kiếp người đi qua.
Bà cụ ăn xin 2
Bà cụ này mới xuất hiện khoảng một năm nay tại vùng này, và không ăn xin cố định tại chợ Quân Trấn. Bà chịu khó rảo khắp quán xá, quá nửa buổi sáng mới về ngửa nón ngồi trong chợ. Bà này vóc người mảnh khảnh, đi đứng còn nhanh nhẹn, nhưng khi vào chợ thì lưng khom xuống. Ăn cơm hộp xong, khoảng trưa tròn bóng bà ra ngồi trên vỉa hè, gần chỗ cụ bà bán trứng, chàng hảng đếm tiền.
Tôi thấy bà đếm tiền vài lần, không hỏi là bao nhiêu. Chỉ biết là tiền đếm xong bà xếp ngay ngắn thành xấp riêng theo loại 1.000, 2.000, 5.000. Và vài lần ấy, tôi tò mò ước lượng cái túi ni lông chật ấm của bà. Bất giác, tôi không thể không quay nhìn sang bà cụ bán trứng đang lễ mễ xếp số trứng chưa bán được vào giỏ để mang về.
Tôi không thể phân định rõ điều gì diễn ra trong lòng mình. Chỉ biết rằng mỗi ngày, khi đi qua gốc cây sanh không thấy một chiếc nón cúi xuống những quả trứng hồng hồng giữa trấu rơm lương thiện, là tôi thấp thỏm mong bà ấy đừng đổ bệnh. Lạy Trời!
Tôi đã định chụp ảnh các bà cụ, nhưng rồi lại dừng. Có chút gì như không đành lòng. Chỉ chép lại để hầu suông các bạn thôi. Với nhúm thời gian còn lại như nước chảy qua kẽ tay, các bà cụ ấy sẽ lướt qua thế gian như những ngọn gió u hoài. Cầu cho bà cụ ăn xin 1 siêu thoát. Và, mong bà cụ ăn xin 2 – với những người như bà – sớm được đón về một mái nhà chung.
Ghi chép của Trần Thị Huyền Trang