Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú:
Lỗi hẹn!
Năm 2010, cùng với cả nước, Bình Ðịnh lập danh sách 10 nghệ nhân của tỉnh gửi Bộ VH-TT&DL để tham gia xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú (NNND, NNƯT). Tuy nhiên, đợt phong tặng nghệ nhân cấp nhà nước đầu tiên dự kiến diễn ra trong năm 2010 đã bị “treo” vô thời hạn.
Vướng thủ tục
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đã quy định: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể” (Điều 26). Ngày 31.5.2010, Bộ VH-TT&DL ban hành văn bản số 1820 đề nghị các địa phương trong cả nước lập danh sách nghệ nhân đủ tiêu chuẩn (mỗi danh hiệu 3-5 nghệ nhân) để chuẩn bị xét tặng đợt 1. Văn bản này cũng nêu rõ thời gian tiến hành phong tặng đợt 1 dự kiến là năm 2010. Tại văn bản số 702 ngày 12.7.2010, Sở VH-TT&DL đã giới thiệu tối đa 5 nghệ nhân ở mỗi danh hiệu.
Theo giải thích của Sở VH-TT&DL, sự trì hoãn kéo dài và chậm trễ phong tặng NNND, NNƯT xuất phát từ những bất cập trong thủ tục hành chính, quy trình xét tặng. Theo đó, quy định tại Điều 65 của Luật Thi đua-Khen thưởng (năm 2003, sửa đổi năm 2005) thì việc xét tặng nghệ nhân chỉ có trong lĩnh vực thủ công truyền thống, đơn vị chủ công là Bộ Công Thương.
Năm 2009, Điều 65 của Luật Thi đua - Khen thưởng được Quốc hội sửa đổi, mở rộng đối tượng thêm 6 lĩnh vực khác của văn hóa phi vật thể là: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Bộ VH-TT&DL được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho 6 loại hình (nghề thủ công truyền thống vẫn tiếp tục do Bộ Công Thương phụ trách).
Từ đó đến nay, nghệ nhân trong cả nước “mòn mỏi” đợi Bộ VH-TT&DL xây dựng Nghị định này. Đến khi hoàn thành dự thảo, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 6.2013 thì lại đúng với thời điểm Quốc hội sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng. Vậy là việc tôn vinh nghệ nhân lại phải dừng lại chờ Luật này được sửa đổi, thông qua!
Điệp khúc… chờ
Thật bất ngờ là 10 bộ hồ sơ đề cử xét tặng NNND, NNƯT của nghệ nhân Bình Định hiện vẫn đang nằm tại Sở VH-TT&DL. Từ năm 2010, khi lần đầu tiên “tín hiệu” tôn vinh nghệ nhân được phát ra, theo yêu cầu của Bộ, Sở VH-TT&DL chỉ lập danh sách (bao gồm tên, tuổi, nơi sinh sống, lĩnh vực hoạt động, di sản văn hóa phi vật thể nắm giữ) các nghệ nhân và gửi về Bộ. “Văn bản ghi rõ Bộ sẽ hướng dẫn chi tiết việc triển khai quy trình phong tặng sau khi Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật Di sản sửa đổi, bổ sung và Thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục lập, gửi hồ sơ để xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT ban hành. Tuy nhiên từ đó đến nay Nghị định này vẫn chưa được phê duyệt, về phía Sở cũng không nhận được phản hồi hay thông tin, hướng dẫn thêm từ Bộ về vấn đề này”, ông Trương Đông Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở VH-TT&DL cho biết.
“Dẫu biết không phải được đề cử là sẽ nhận danh hiệu nhưng gần 3 năm qua, 10 nghệ nhân của tỉnh luôn sống trong tâm trạng mong ngóng......”
Dẫu biết không phải được đề cử là sẽ nhận danh hiệu nhưng gần 3 năm qua, 10 nghệ nhân của tỉnh luôn sống trong tâm trạng mong ngóng. Nhất là khi việc phong tặng nghệ nhân dân gian cấp nhà nước lần đầu tiên được xới lên rồi bặt vô âm tín.
Anh Nguyễn Thanh Hòa, con trai nghệ nhân bài chòi cổ Lê Thị Đào, chia sẻ: “Mẹ tôi cứ lâu lâu lại hỏi: chuyện phong tặng nghệ nhân đến đâu rồi, có kết quả chưa? Mẹ hỏi như thế không phải chỉ cho bản thân mình mà còn để quan tâm, chia vui với bạn bè nghệ nhân khác cũng được đề xuất. Nghệ nhân đa phần lớn tuổi, sống ở nông thôn, ít có điều kiện tiếp cận với thông tin… nên khó lòng biết được vì sao việc phong tặng không thể tiến hành như dự kiến. Tôi cũng không biết phải trả lời thế nào”.
Theo ông Trương Đông Hải, về băn khoăn của nghệ nhân được đề cử hai danh hiệu trên, những dịp có cơ hội gặp gỡ, các cán bộ trực tiếp làm công tác này đều cố gắng giải thích để nghệ nhân và gia đình hiểu, thông cảm và chờ đợi chuyển biến mới từ cấp Trung ương.
Còn với những nghệ nhân lớn tuổi như nghệ nhân bài chòi cổ Lê Thị Đào, có lẽ sẽ khó mà tường tận “mớ bòng bong” về thủ tục hành chính quanh câu chuyện trì hoãn phong tặng NNND, NNƯT. Điều mà lão nghệ nhân sắp bước sang tuổi 90 này quan tâm là làm sao giữ được hơi, được giọng, không bị cảm hay đổ bệnh giữa tuổi già và thời tiết thất thường để “dạy cho tới” trích đoạn “Thoại Khanh- Châu Tuấn”. “Chẳng là hổm rày mấy đứa nhỏ trong xã nhờ tui dạy trích đoạn Thoại Khanh- Châu Tuấn đặng sắp tới chúng biểu diễn trong chương trình văn nghệ mừng ngày Quốc khánh trên thị xã”, bà Đào nói khi ngừng hô một câu bài chòi cổ, trên tay vẫn không thôi nhịp song loan.
SAO LY