“Ì ạch” với gạch không nung
Chương trình phát triển gạch không nung đã được triển khai tại Bình Ðịnh từ năm 2015. Khác với bức tranh khởi sắc tại một số tỉnh thành trong nước, Bình Ðịnh nằm trong số những địa phương đang... “ì ạch” trong việc phát triển loại vật liệu này.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 đơn vị sản xuất gạch không nung (GKN) với tổng công suất thiết kế là 85,5 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, chủ yếu là gạch xi măng - cốt liệu, thuộc 2 nhóm chính: gạch block kích thước lớn (dài đến 40 cm) và gạch ống 2 lỗ, 6 lỗ giống gạch đất sét nung. Gạch được sản xuất theo công nghệ rung ép tạo hình, đóng rắn tự nhiên với tổng cộng 13 dây chuyền. Phần lớn các dây chuyền này là bán tự động, riêng dây chuyền của Công ty CP gạch Tuynen hoàn toàn tự động. Nguyên liệu chủ yếu là mạt đá, cát, xi măng và phụ gia.
Gạch không nung do HTX Bình Đê sản xuất. Ảnh: DIỆP BẢO SƯƠNG
Kinh doanh khó khăn
Bà Võ Thị Minh Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Phương, chia sẻ, công ty bà mở cơ sở sản xuất GKN ở Phước Thành (Tuy Phước) vào năm 2013 với công suất thiết kế 10 triệu viên/năm. Ban đầu, việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. Gần đây, dù sản lượng gạch tiêu thụ có tăng qua các năm, nhưng thời điểm cao nhất vào năm 2016 cũng chưa đầy 405 ngàn viên, chỉ đạt 4% công suất thiết kế! Hoạt động sản xuất cầm chừng theo đơn hàng.
“Thực tế, có ai mua tôi mới sản xuất. Ai mua ít thì làm ít, ai mua nhiều thì làm nhiều. Vì bán không được nên tôi chưa có thể tổ chức sản xuất bài bản. Tôi dùng lao động làm nông, đào tạo họ rồi thuê làm lúc nông nhàn. Lương trả theo ngày dù biết trả lương khoán lợi hơn, vì cứ 4-5 ngày mới có việc để công nhân làm. Hao phí của cơ sở sản xuất rất lớn. Tôi phải làm nhiều việc khác để bù lỗ. Từ lâu, tôi đã đi nhiều nơi để nghiên cứu làm gạch từ đất đồi nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Kinh doanh không hiệu quả nên chưa dám đầu tư; cũng không dám vay mượn vì thực tế cho thấy nhiều người càng vay càng… “chết”, bà Huệ tâm tư.
Đối với HTX Sản xuất đá xây dựng Bình Đê (HTX Bình Đê), việc tiêu thụ GKN của đơn vị này tuy khả quan hơn nhưng lợi nhuận không nhiều. Ông Nguyễn Xuân Thạch, Giám đốc HTX, cho biết: “Sản lượng GKN bán ra đạt khoảng 80% công suất thiết kế 20.000 viên/ngày nhưng lãi thu về không bao nhiêu. HTX sản xuất GKN chủ yếu nhằm giải quyết lao động cho xã viên và xử lý tận dụng phế phẩm bột đá từ hoạt động sản xuất đá xây dựng”.
Vì nhiều nguyên nhân
Ngoại trừ những lý do chủ quan của từng doanh nghiệp, đa số các chủ cơ sở sản xuất lẫn giới quản lý đều đồng ý có một số nguyên nhân sau khiến GKN không phát triển mạnh ở Bình Định. Đó là Bình Định có trữ lượng đất sét lớn, giá rẻ; lò gạch nung phát triển nhiều, lâu đời, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nên khó xóa bỏ. Thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương. Ông Thạch nói: “Người dân nếu có mua gạch của HTX Bình Đê thì chủ yếu chỉ để xây công trình đơn giản như tường rào, cổng ngõ hay công trình phụ chứ ít dùng để xây nhà”.
GKN xi măng cốt liệu nặng hơn gạch đất sét nung khoảng 1,5 lần. “GKN càng chắc (tức mác càng cao) thì càng nặng. Điều này khiến cho việc bốc xếp, vận chuyển khó khăn và gia tăng chi phí nên nhà thầu ít muốn chọn GKN”, bà Huệ giải thích.
Còn theo ông Trần Viết Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, gạch nặng còn làm tăng tải trọng cho công trình, ảnh hưởng đến móng và kết cấu đối với nhà nhiều tầng. Chủ đầu tư không thích chọn GKN vì không muốn tốn thêm chi phí cho phần gia tăng kết cấu này. Công nhân thì chưa quen với kỹ thuật xây GKN kích thước lớn, trọng lượng nặng nên thấy khó, nhất là xây ở độ cao trên 1,2 m. GKN loại nhẹ có thể giải quyết được các vấn đề trên nhưng giá cao gấp 3 lần gạch nung. Vốn đầu tư đòi hỏi cũng cao nên hiện ở tỉnh chỉ có Công ty CP gạch Tuynen đang đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp công suất 50.000m3/năm; dự kiến, cuối năm 2018 sẽ có sản phẩm.
GKN là sản phẩm vật liệu xây dựng mới, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đầy đủ cho tất cả các chủng loại nên không tính được đơn giá. Người thiết kế công trình không có cơ sở pháp lý khi dự toán cho công trình, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng GKN, bà Huệ cho biết thêm.
Gần đây, một số công trình xây bằng GKN có hiện tượng nứt tường. Bất luận vì nguyên nhân nào, từ thiết kế, kỹ thuật xây cho đến hiện tượng co ngót..., việc nứt tường cũng làm cho người dùng nghi ngờ chất lượng GKN và không tin tưởng sử dụng, ông Bảo nói.
Còn theo ông Thạch, trên địa bàn tỉnh có khoảng chục cơ sở sản xuất GKN quy mô gia đình rất nhỏ lẻ, hoạt động không thuế má, sao chép mẫu mã, không đảm bảo chất lượng và bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín của những đơn vị làm ăn chân chính.
Cần hỗ trợ cụ thể, tích cực hơn
Để gỡ khó cho các đơn vị sản xuất GKN, ông Thạch cho rằng “Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Cho đến nay, HTX Bình Đê mới chỉ nhận được một khoản hỗ trợ ít ỏi từ nguồn khuyến công chứ chưa được hưởng bất kỳ một sự ưu đãi về thuế nào”.
Mong mỏi của ông Thạch cũng chính là một trong những nội dung kiến nghị mà Sở Xây dựng gửi tới Bộ Xây dựng. Đó là cụ thể hóa chính sách phát triển GKN, tạo điều kiện để các địa phương thu hút đầu tư phát triển loại vật liệu này, ông Trần Viết Bảo cho biết. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về sản xuất và sử dụng GKN, thay thế dần gạch đất sét nung phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng. Rà soát dây chuyền sản xuất GKN hiện có nhưng chưa hiệu quả để hướng dẫn cải tiến công nghệ và quy cách sản phẩm GKN cho phù hợp với thực tiễn địa phương. Giới thiệu công nghệ tiên tiến để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư. Hướng dẫn xây dựng định mức đối với sản phẩm mới, thẩm định và đề nghị Bộ Xây dựng xem xét xây dựng đơn giá để công bố áp dụng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng GKN theo quy chuẩn xây dựng được công bố.
TỐ UYÊN