"Sinh viên Sư phạm giỏi sẽ có việc làm như trường quân đội, công an"
Bộ GD-ĐT khẳng định, sinh viên Sư phạm thực sự giỏi khi ra trường có thể sẽ được sắp xếp việc làm như sinh viên các trường quân đội, công an.
Mùa tuyển sinh năm nay, trong khi điểm chuẩn của nhiều trường đại học (ĐH) tốp đầu, nhiều ngành tăng mạnh thì điểm chuẩn của mốt số trường sư phạm lại rất thấp, thậm chí có trường Cao đẳng Sư phạm thông báo tuyển thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn. Điều này khiến nhiều người lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT): Sinh viên Sư phạm giỏi sẽ có việc làm như các trường quân đội, công an
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT đang thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH Sư phạm. Trong đó mục tiêu là để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của đào tạo giáo viên cho toàn hệ thống giáo dục quốc dân.
PV: Thưa bà, năm nay, điểm chuẩn một số trường sư phạm, đặc biệt là cao đẳng sư phạm thấp chưa từng có, nhiều ý kiến cho rằng, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải có được việc làm như sinh viên các trường quân đội, công an. Như vậy mới thu hút được người giỏi học tập cũng như giảng dạy ở các trường học. Quan điểm của Bộ GD-ĐT về vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Hiện nay, chỉ tiêu của trường sư phạm đã được quản lý chặt chẽ hơn không chỉ căn cứ vào năng lực của trường mà còn căn cứ vào nhu cầu sử dụng của xã hội. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm, chỉ tiêu vào các trường đều giảm từ 10-20% trên toàn hệ thống. Riêng các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT giảm 20%/năm.
Trong quy hoạch các trường sư phạm, Bộ GD-ĐT đang xây dựng các chuẩn, quy chuẩn cơ bản cho các trường sư phạm, trong đó, dự kiến có tiêu chí về tỷ lệ sinh viên có việc làm.
Trên cơ sở đó sẽ rà soát các trường sư phạm trong toàn hệ thống, trường đạt chuẩn sẽ được đặt hàng đào tạo và các sinh viên được đặt hàng đào tạo khi tốt nghiệp sẽ có việc làm. Dự kiến, đối với các trường đào tạo chất lượng, sinh viên sư phạm thực sự giỏi khi ra trường có thể sẽ được sắp xếp việc làm như sinh viên các trường quân đội, công an.
Khi khảo sát trên toàn hệ thống trường sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện quy hoạch chất lượng hơn, trên cơ sở đó để xác định từ chỉ tiêu cho đến “đầu ra” của trước hết là đối với các sinh viên giỏi.
Quy hoạch các trường Sư phạm sẽ như thế nào?
PV: Bộ GD-ĐT đã đề cập đến việc sẽ quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, đặc biệt là các trường sư phạm. Xin Bộ cho biết chủ trương đó đang được thực hiện đến đâu, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong năm 2018, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và cơ sở đào tạo giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục.
Đối với cơ sở đào tạo giáo viên, sau khi rà soát theo tiêu chuẩn quy hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ chọn những cơ sở chất lượng nhất để đào tạo giáo viên cho các vùng miền, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông. Đầu tư cho vào các trường sư phạm là đầu tư cho cả hệ thống giáo dục. Vì vậy, những trường sư phạm sẽ có chuẩn đánh giá chất lượng riêng.
Với trường sư phạm, sự can thiệp điều tiết của thị trường sẽ ít hơn so với hệ thống đào tạo nói chung. Dựa trên quy mô dân số trong độ tuổi đi học, nhu cầu sử dụng giáo viên đến đâu, các trường ĐH sẽ đào tạo đến đó.
Trên cơ sở các chuẩn, quy chuẩn đối với các trường sư phạm riêng, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại hệ thống các trường sư phạm hiện nay để xem các trường nào đạt chuẩn thì tiếp tục đầu tư để phát triển.
Trường nào chưa đạt chuẩn nhưng ở vị trí trọng yếu cần tiếp tục đầu tư đạt chuẩn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho vùng, địa phương mình; cũng có thể hợp nhất, sáp nhập với trường lớn để lan tỏa chất lượng của những trường lớn ra những vùng miền khác. Những trường nào yếu kém về chất lượng mà xã hội không lựa chọn sẽ khoanh vùng để có các giải pháp phù hợp.
Sẽ có quy chuẩn giáo viên
PV: Thưa bà, liệu khi quy hoạch lại trường sư phạm thì Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện đào tạo lại cũng như đưa ra quy chuẩn đội ngũ giáo viên như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Đối với các trường ĐH sư phạm, ngoài việc đào tạo giáo viên còn nhiệm vụ đào tạo lại giáo viên để đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Hiện nay, các trường cũng đã có kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên để phù hợp với yêu cầu mới. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức việc chuẩn bị chương trình vào giao cho những trường đủ năng lực, còn các địa phương có trách nhiệm rà soát giáo viên để cử đi học.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đang chuẩn bị xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên một cách toàn diện từ phẩm chất; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực xây dựng môi trường giáo dục…
Khi xây dựng quy chuẩn hoàn thiện, Bộ sẽ rà soát lại đội ngũ giáo viên, xác định số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn, tỷ lệ cần bồi dưỡng, đào tạo lại để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo. Chủ trương quy chuẩn giáo viên của Bộ GD-ĐT là rà soát, bồi dưỡng để đạt chuẩn, chứ không phải là rà soát để loại ra khỏi ngành.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục ĐH, các trường Sư phạm diễn ra sáng 11/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp. Trong đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh.
“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được.
Tuy nhiên, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế nào cũng phải làm sao giáo sinh vào trường sư phạm thấy tự hào”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Theo Bích Lan (VOV)