Những chỉ dẫn đơn giản và lôi cuốn
Trước một tác phẩm nghệ thuật thị giác - tranh, tượng, phù điêu… chẳng hạn, nếu bạn thấy thích, đã là một cái vui. Nhưng khi muốn chia sẻ niềm vui với một ai khác, nhiều khi bạn thiếu ngôn từ và bất lực. Ngay cả một số tác giả, lắm khi cũng vụng về khi muốn truyền đạt về tác phẩm của mình. Có điều này là bởi, đó là những điều vốn không nói được thành “ngôn ngữ nói” nên người ta mới trải lòng qua “ngôn ngữ hội họa”, “ngôn ngữ điêu khắc”, “ngôn ngữ xếp đặt”… Nếu vẫn muốn chia sẻ cái vui, muốn bước một bước xa thêm chút nữa vào nghệ thuật, thì sách “Đến với Nghệ Thuật” (tác giả: Rosie Dickins, người dịch: Vũ Hiển, Phạm Quỳnh Châu, NXB Kim Đồng, 2017) là một đề nghị phải nói là xuất sắc.
Trong gần 200 trang in khổ lớn với chất lượng cao, cuốn sách thật sự như một người thầy uyên bác, vui tính, dịu dàng cầm tay ta dắt vào thế giới nghệ thuật. Mà thật, cuốn sách ngập tràn thông tin và hình ảnh này sẽ kể cho bạn một câu chuyện khúc chiết, giản dị mà cực kì lôi cuốn về nghệ thuật. Ở đó bạn còn chiêm ngưỡng hơn 200 tác phẩm nghệ thuật xuất sắc trên thế giới, từ những hình trang trí lăng mộ Ai Cập cổ đại, tới những kiệt tác của các bậc thầy hội họa châu Âu, đến các tác phẩm đột phá gần đây, bạn sẽ phần nào tìm được đáp án cho câu hỏi muôn đời: Vì sao nghệ thuật lại tuyệt vời đến thế?
Ở phần mở đầu của tập sách, tác giả khu trú vấn đề rằng “văn chương, âm nhạc…tất cả đều là nghệ thuật. Nhưng trong cuốn sách này, bạn sẽ cùng chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu “nghệ thuật thị giác”, tức là những tác phẩm được tạo ra để nhìn ngắm. Nhưng tôi tin rằng, khi làm chủ những công cụ có được từ việc nghiền ngẫm cuốn sách, khả năng rung động, cảm nhận và diễn đạt của bạn ở những môn nghệ thuật khác, âm nhạc chẳng hạn, cũng vô tình thăng tiến bất ngờ!
ĐÔNG A