Quê nhà yêu dấu
* Tản văn của PHAN THANH DANH
Quán rượu trên bến cá
Ngoài cửa sông là bến cá. Chợ cá nằm cạnh bến tàu. Tàu về hải sản lên bến, phần theo xe tỏa đi muôn nơi, phần chế biến, phơi khô ngay ở bến, những khoảnh đất trống trong chợ. Bến cá nào cũng đủ chỗ cho người tứ xứ đến đây mưu sinh. Và trái với vẻ dữ dằn, hỗn tạp, bến dang tay đón nhận hết thảy, như đón bất cứ tàu cá nào muốn vào cập bến. Không có bến cá nào trên trái đất thiếu quán rượu. Quán rượu mọc bên cạnh chợ cá, ở quê mình cũng thế.
Tranh của VŨ HOÀNG TUẤN
Món đưa cay thường thấy nhất ở quán rượu bến cá là gỏi cá, thứ đến là các món chế biến từ cá, mực. Giản tiện, rẻ tiền nhất là những món khô nướng. Ngư dân, người làm thuê ở bến cá và cả những ông chủ nậu hay đến đây uống với nhau vài chén. Trai bạn xa quê trong lúc chờ làm “tổn” cũng thường đến quán tìm chút hơi ấm bạn bè, chống cái lạnh se lòng của bến cá, nhất là những ngày cuối thu sang đông, hoặc những ngày biển động tàu vào tránh trú bão.
Những kẻ có chút lãng mạn thường muốn đón cái gió lạnh từ cửa sông, cửa đầm thốc vào bến cá. Rượu từ chén đã hóa thành nỗi nhớ nhà, nhớ người thương vừa đủ sưởi ấm lòng gã trai. Khi những tâm hồn lẻ loi chợt chạnh lòng mơ ước đến hạnh phúc tình duyên, bến cá chiều thu là một nơi giản dị để họ tìm đến. Ngồi bên nhau, thân cũng như sơ, họ tự bày tỏ niềm hy vọng về hạnh phúc của họ về tình yêu và gia đình. Người đi biển nào cũng cố định lòng mình bằng cái neo thương mến này.
Bàn rượu ở đây thường ồn ào. Nhưng cũng có lúc tĩnh, chẳng hạn những hôm có tin ngư dân mất tích, tàu bị phá nước, tàu cá bị đâm chìm… Người ta ngồi uống rượu bên nhau mà tư lự như thể đang uống một mình. Người đi biển thường giàu tình cảm, điều này sẽ mãi mãi đúng!
Bờ rào duối
Trong ký ức thơ ấu, làng quê tôi xa xôi vừa mông lung vừa rõ ràng hiển hiện. Uốn quanh làng, tha thiết ôm lấy xóm là những bờ tre, bờ trảy. Từng nhà, từng nhà khuôn lại gọn gàng bởi những bờ duối. Tuổi ấu thơ chập chững, tôi cùng bạn bè trong xóm suốt ngày thơ thẩn bên những hàng rào duối. Những trái duối chín vàng ươm, có hạt to và lớp cơm rất mỏng có vị ngọt ngọt. Trong hàng rào duối thường mọc xen dú dẻ. Trái dú dẻ thơm dịu, lớp cơm có vị ngọt mỏng. Bên hàng rào thường có những bụi ngũ sắc, nhiều người còn gọi là ổi tàu, nho núi. Chúng tôi rứt cả cụm, đưa lên mồm hút lấy mật hoa ngòn ngọt.
Quê tôi nghèo và những trò vui như thế tình cờ bổ sung ít nhiều dưỡng. Mà thật, có ngày tôi thơ thẩn ngoài bờ duối, bụng đói ngấu vì từ sáng trưa trật không có một hột cơm. Mãi đến gần một giờ trưa, từ chỗ làm thuê ngoài xóm, mẹ tôi tất tả mang rổ khoai mì trước ánh mắt háu đói của tui. Mẹ nhường đàn con những củ mì ngon, phần mẹ thầu những củ sượng. Tôi ăn nghiến ngấu, ngon lành có biết đâu bụng mẹ mình phần nhiều là xơ mì.
Cứ như thế tôi lớn lên bên bờ rào duối, ướp lòng mình trong mùi hương dú dẻ quê mùa, trong vị ngọt của chùm hoa ngũ sắc đôn hậu. Bảo làm sao tôi có thể quên dáng hình bờ rào duối được?
Tắm mương
Cứ khoảng ba bốn giờ chiều vào những ngày nghỉ hè, là bọn trẻ con í ới rủ nhau đi tắm. Trẻ làng tôi không tắm sông hay tắm biển, đã rủ nhau đi tắm nghĩa là tắm mương. Mương đây là những con kênh thủy lợi vắt qua cánh đồng làng. Có những đoạn đủ rộng, nhiều nước để đám trẻ con chúng tôi có chỗ tắm mát chiều hè.
Tầm ba bốn giờ chiều, nghe có tiếng bạn bè hò nhau đi tắm là lòng tôi chộn rộn hẳn lên. Những khi đó tôi nôn nóng chụm cho xong nồi cơm hay nồi cháo heo cho mẹ mà trong lòng bồn chồn làm cho nhanh để được đi tắm mương. Việc chỉ gần gần xong, tôi đã nhanh nhảu chạy lên xin phép, mẹ biết nỗi lòng con trẻ nên cười cười phẩy tay cho đi.
Trò tắm mương của chúng tôi rất vui, gồm ngụp lặn, tức là nín hơi và chim xuống mặt nước, thi bơi với nhau ở những đoạn nước nhiều. Nhưng không kỳ cọ gì cả. Cứ thế chúng tôi đùa giỡn vang cả một góc cánh đồng đến tận mặt trời lặn mới chịu lên bờ để về. Chúng tôi cứ tắm mương vào những buổi chiều hè như thế đến khi vào năm học mới. Ðến mãi sau này, khi nhìn thấy những mương nước thủy lợi trên cánh đồng là tôi nhớ lại một thời tuổi thơ mẹ cha thương yêu và những đứa bé con cùng xóm.
Quê hương yêu dấu nhiều khi không phải là những điều to tát mà người lớn hay nghiêm túc chỉ bày, những ngày tắm mương với chúng tôi cũng là quê hương. Chúng tôi giờ đã lớn, gặp nhau chỉ cần nhắc đến tắm mương là đã sôi nổi chuyện trò, như cùng trôi hẳn về quá vãng. Những chuyện nghiêm túc chưa bao giờ hiện diện trong những lần gặp gỡ. Lạ vậy đó!
Đó là quê tôi trong những năm 90, xã Phước Hậu (tên cũ), phường Nhơn Bình bây giờ. Những ký ức này vẫn mãi đọng lại trong tôi. Bây giờ quê tôi đã no đủ hơn, điện nước đã về đến tận nhà, không biết lũ trẻ có còn hái duối,tắm mương hay ít nhất cũng là rủ nhau chơi trong mỗi dịp hè nữa không?