Sân khấu truyền thống Bình Ðịnh: Tâm tư và hy vọng
Cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, các nghệ sĩ tuồng và dân ca bài chòi ở hai đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống Bình Ðịnh - Nhà hát tuồng Ðào Tấn và Ðoàn dân ca kịch bài chòi - đã gặt hái nhiều thành công. Sau những nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật, vẫn còn những nỗi niềm vừa tâm tư, vừa lo lắng, hy vọng.
NSND Hoài Huệ vai Võ Tánh (người thứ 2 từ phải qua) và nghệ sĩ Hồ Lệ Thu vai Ngọc Du công chúa (bìa phải) trong vở Khúc ca bi tráng.
Tháng 4.2017, tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017 do Bộ VH-TT&DL cùng UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, thu hút gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ 34 đơn vị nghệ thuật công lập, các học viện âm nhạc, nhạc viện, cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên ngành biểu diễn âm nhạc dân tộc trong toàn quốc. Tham gia Liên hoan, hai đơn vị nghệ thuật của Bình Định là Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đã đoạt tổng cộng 4 huy chương.
Cụ thể, Nhà hát tuồng Đào Tấn đoạt 1 HCV - tiết mục “Vượt sóng ra khơi” do nghệ sĩ Trung Nghĩa độc tấu dàn trống và 1 HCB - tiết mục “Hành khúc Tây Sơn” do nghệ sĩ Quang Hiếu độc tấu kèn. Đoàn Ca kịch bài chòi cũng đoạt 1 HCV - tiết mục độc tấu đàn nguyệt “Kể chuyện Thoại Khanh” do NSƯT Đinh Văn Nhân thể hiện và 1 HCB - tiết mục hòa tấu “Trăm năm nhịp điệu bài chòi”.
Đây chỉ là thành tích mới nhất và sẽ rất dong dài nếu liệt kê ra đây những danh hiệu, huy chương mà các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ tỉnh ta đã giành được. Bởi điều vượt lên trên những thành tích ấy là nỗ lực lao động nghệ thuật thường xuyên của các nghệ sĩ đã đi đúng hướng; kể cả trong những thể nghiệm, sáng tạo, cách tân.
Một buổi tập của các nghệ sĩ Nhà hát tuồng trong vở Nước non cửa Phật.
Ngay cả ở nỗi lo thường trực - thiếu nghệ sĩ trẻ kế thừa và phát huy truyền thống - vẫn hé lên những niềm vui, dù nhỏ nhưng vẫn rất đáng trân trọng. Nói như vậy là bởi, dù số lượng ít nhưng các nghệ sĩ trẻ đều chịu học hỏi, có khá nhiều trải nghiệm và luôn sẵn sàng. “Nhiều em đã bộc lộ được tố chất và có thể kế nghiệp lớp nghệ sĩ chúng tôi”, NSND Hoài Huệ - Trưởng Đoàn dân ca kịch bài chòi Bình Định khẳng định thêm về lớp nghệ sĩ trẻ.
Song hành với sự nỗ lực của lớp nghệ sĩ trẻ, những thế hệ tiền bối như NSND Hòa Bình, NSND Phương Thảo, NSND Hoài Huệ, NSƯT Tuyết Mai… vẫn từng ngày miệt mài với công tác đào tạo, theo sát từng bước trưởng thành của các nghệ sĩ trẻ với niềm tin yêu và hy vọng. Điều đáng mừng là các đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, nghệ sĩ của tỉnh ta đều ý thức rõ trách nhiệm của mình, không lơ là ngủ quên trên thành tích. Hai đoàn nghệ thuật vẫn tất bật vừa phục vụ nhân dân, dựng vở diễn mới, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc thi, liên hoan ở mọi cấp độ.
Dù giàu tâm huyết với nghề, nhưng ở các nghệ sĩ truyền thống tỉnh ta dường như vẫn còn nhiều tâm sự. Đơn cử như những vở diễn đạt huy chương trên sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc sau một, hai lần thăng hoa trên sân khấu, đến lúc hồi hương phần nhiều là cất để đó chứ cơ hội đến với công chúng rất hiếm vì lẽ còn thiếu một chuyện rất cũ… nhà hát. Hy vọng, rồi đây, cùng với đà phát triển của Bình Định, nghệ thuật sân khấu truyền thống sẽ đạt nhiều thành công hơn nữa và trong chặng đường đi tới đó, tuồng và bài chòi sẽ được đến với công chúng nhiều hơn.
VÂN PHI