Mong mỏi của một danh sư võ cổ truyền
Theo Đề án Bảo tồn và phát triển một số lò võ cổ truyền Bình Định, năm 2014, Võ đường Phi Long Vịnh (ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) được UBND huyện Tuy Phước cấp 1 lô đất diện tích 420 m2 ngay tại thôn Kỳ Sơn. Theo Đề án, các hạng mục sẽ được xây dựng trên lô đất này gồm có nhà tập và biểu diễn, nhà thờ tổ, phòng đặt binh khí và thay trang phục, phòng vệ sinh (nam, nữ) và khu vực để xe.
Khoảng sân chật chội được dùng làm nơi luyện tập, truyền dạy võ sinh.
Đề án cũng xác định mục tiêu đưa Võ đường Phi Long Vịnh trở thành hạt nhân phong trào võ thuật ở huyện Tuy Phước, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn các giá trị truyền thống của võ cổ truyền Bình Định, tham gia vào công tác quảng bá Bình Định thông qua việc đón tiếp khách tham quan, giao lưu với các môn phái võ cổ truyền trong nước và quốc tế tại các kỳ liên hoan võ truyền thống tổ chức tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Có thể nói, Đề án đã đặt ra mục tiêu kép là bảo tồn, phát triển võ cổ truyền kết hợp với thu hút khách tham quan, du lịch.
Võ đường Phi Long Vịnh nằm trong số 6 võ đường tiêu biểu được đề án chọn đầu tư giai đoạn 1 (2012), ngoài kinh phí hỗ trợ mua sắm trang phục và binh khí biểu diễn phục vụ khách tham quan, du lịch, Võ đường sẽ còn được tỉnh hỗ trợ 70% kinh phí để xây dựng các hạng mục nêu trên, 30% còn lại được huy động từ các đơn vị hoạt động du lịch trong và ngoài tỉnh.
Võ sư Phi Long Vịnh cho biết ông từng vô cùng mừng rỡ khi được huyện Tuy Phước bàn giao lô đất để mình quản lý, sử dụng để thực hiện mục tiêu Đề án mà tỉnh đặt ra. Ông đã vẽ sơ đồ, xác định vị trí xây dựng các công trình, dọn dẹp mặt bằng lô đất để chuẩn bị cho việc xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, đã 3 năm trôi qua kể từ khi được giao đất, nhưng kinh phí hỗ trợ xây dựng các hạng mục vẫn “bặt vô âm tín” (theo Đề án thời điểm kết thúc giai đoạn 2 là năm 2015).
Đến thăm Võ đường Phi Long Vịnh, người ta sẽ không khỏi chạnh lòng khi sân tập chỉ hơn 20 m2 . Mỗi khi có sự kiện cần tập hợp đông người như tổ chức giao lưu võ thuật trong các kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Bình Định, tập hợp võ sinh biểu diễn phục vụ quay phim của các kênh truyền hình..., ông phải đi mượn sân của Tịnh xá Ngọc Vân gần đó. Binh khí, dụng cụ tập võ phải treo trong phòng khách vì nhà chật và bàn thờ tổ đặt cạnh bàn thờ gia tiên.
Tuy đã 82 tuổi nhưng vị đại danh sư vẫn còn khỏe và minh mẫn. Ông cho biết nếu đúng theo Đề án, ông sẽ có nơi chốn tươm tất để tiếp tục truyền dạy những gì mà mình tích lũy được và nơi đây sẽ là một điểm tham quan đầy ý nghĩa cho nhiều du khách. Thật đáng tiếc là đến giờ ông vẫn cứ phải đợi chờ mòn mỏi.
NGÔ HỒNG SƠN