Ngăn ngừa tình trạng ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài:
Tích cực tuyên truyền gắn với đấu tranh, xử lý vi phạm
Tình trạng ngư dân Bình Ðịnh xâm phạm lãnh hải nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp cả về số lượng tàu bị bắt lẫn tính chất vi phạm. Thực tế đó đòi hỏi những giải pháp quyết liệt, căn cơ từ công tác tuyên truyền, vận động đến xử lý hành chính, hình sự.
Đó là nội dung được quan tâm nhiều nhất tại hội nghị Rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho ngư dân được UBND tỉnh tổ chức ngày 10.8.
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: VĂN LƯU
Có hẳn đường dây, đối tượng môi giới
Theo thông tin tại hội nghị, trong năm 2015, có 32 tàu/ 293 ngư dân của Bình Định vi phạm lãnh hải nước ngoài và bị bắt. Sang năm 2016, tăng lên 35 tàu cá/ 270 ngư dân bị bắt giữ, cùng 6 tàu/ 51 ngư dân bị bắt nhưng thả ngay trên biển. Từ tháng 1 đến hết tháng 5.2017, tình hình chưa được cải thiện, với 17 tàu/ 118 ngư dân bị bắt. “Ngư trường mà ngư dân Bình Định thường hoạt động bị nước ngoài bắt giữ, xử lý là vùng biển chồng lấn, giáp ranh với Indonesia, một số vùng biển Philippines và Malaysia. Đến thời điểm này, vẫn còn 45 ngư dân bị Indonesia giam giữ”, Đại tá Nguyễn Ngọc Anh - Chính ủy BĐBP tỉnh, cho biết.
“Có ngư dân xâm phạm lãnh hải, bị bắt, bị phạt, khi được thả vẫn cố tình lấy trộm lưới, cá của nước bạn. Hiện tượng đó làm mất danh dự, vị thế của người Việt Nam”
Thiếu tướng LÊ NHƯ ĐỨC - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP
Hoài Nhơn và Phù Cát là 2 địa phương có tàu cá và ngư dân bị bắt nhiều nhất. Đáng chú ý, số vụ vi phạm của ngư dân Hoài Nhơn đã được kéo giảm đáng kể, trong khi tình hình lại đảo chiều đối với huyện Phù Cát. Cụ thể, trong năm 2016, huyện Hoài Nhơn có 23 tàu/ 193 ngư dân bị bắt, 5 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 4 tàu/ 39 ngư dân. Ngược lại, cùng khung thời gian trên, huyện Phù Cát có 10 tàu/ 62 ngư dân, sau đó tăng lên đến 12 tàu/ 73 ngư dân.
Đặc biệt, tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn khá tinh vi để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Trần Huy Giáp, khi ra đến vùng biển Trường Sa, chuẩn bị vào vùng biển nước ngoài, có tàu dùng biển số giả đè lên biển số thật để đánh lừa lực lượng tuần tra, kiểm soát của nước ngoài. Một số người sử dụng tàu cũ có giá trị thấp để giảm thiệt hại khi bị bắt; tập trung thành tổ, nhóm, khi gần vào vùng biển nước khác thì cho một chiếc vào đánh bắt, nếu bị phát hiện bắt giữ thì dùng ngoại tệ “chung chi” cho lực lượng chức năng nước ngoài.
“Thậm chí, chúng tôi đã phát hiện đối tượng môi giới là người thu mua hải sản ở TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vũng Tàu… hình thành đường dây tổ chức đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép và chuộc tàu khi bị bắt”, Đại tá Trần Huy Giáp thông tin thêm.
Quyết liệt đấu tranh, phòng ngừa
Qua hơn 3 năm thực hiện, Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016” đã được triển khai đồng bộ, bài bản và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Phải quyết liệt ngăn chặn tư tưởng xâm hại, trộm cắp của ngư dân. Hành vi đó dễ dẫn đến quan hệ ngoại giao không tốt, sau này gặp bão trên biển, họ khó nhiệt tình cho tàu mình qua trú tránh”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU
Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn còn nhiều khoảng trống. “Công tác tập hợp quần chúng nhân dân để tuyên truyền PBGDPL, nhất là ngư dân trong mùa trăng đạt thấp. Đó là chưa kể không đúng đối tượng cần phải tuyên truyền, trang bị phương tiện phục vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền không đảm bảo, chưa kết hợp tốt các hình thức tuyên truyền” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương thẳng thắn nói.
Để khắc phục thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Đình Hy cho rằng, khi tuyên truyền trong điều kiện tập trung, cần chọn thời điểm biển động mới có thể huy động được nhiều người tham gia, không gây ảnh hưởng đến chuyến biển của họ. “Xét xử lưu động tại những vùng biển có ngư dân vi phạm cũng góp phần không nhỏ vào công tác PBGDPL, hình thức này cần được phát huy”, ông Hy chia sẻ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, cần thiết phải thực thi các biện pháp xử lý cứng rắn đối với chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt nhằm thẳng vào quyền, lợi ích của họ. Để hạn chế được số vụ vi phạm, huyện Hoài Nhơn đã tiến hành phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng đối với hành vi cố tình vi phạm vùng biển các nước. “Các trường hợp vi phạm lãnh hải bị bắt giữ không được đề xuất phê duyệt hỗ trợ theo Nghị định 48 và Nghị định 67”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công khẳng định.
Để thêm phần quyết liệt, Đại tá Trần Huy Giáp đề xuất chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ phải được lập danh sách quản lý chặt chẽ, tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng. Quan trọng là bắt buộc chủ tàu cá có vi phạm phải chi trả kinh phí đưa ngư dân của mình về nước.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đặc biệt quan tâm đến thực trạng đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng chưa được đào tạo bài bản, đến nơi đến chốn. “Phải khắc phục ngay; đánh bắt xa bờ mà chỉ dựa theo kinh nghiệm, cộng với áp lực phải có sản lượng cao dễ dẫn tới sai sót, vi phạm. Đồng thời, cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu, xem xét đưa tiêu chí ngư dân vi phạm pháp luật vào chỉ tiêu thi đua hằng năm ở cấp xã, thôn…”, ông Trần Châu nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG