Tản mạn trước thềm năm học mới
Bây giờ đang là những ngày “chạy nước rút” để bước vào năm học mới.
Với các trường ÐH-CÐ, công tác tuyển sinh đợt 1 đã kết thúc với nhiều “tâm tư” của các thí sinh không dự báo đúng tình hình nên rớt các nguyện vọng hàng đầu vào các trường/ngành học mà mình yêu thích. Bên cạnh đó, câu chuyện điểm tuyển sinh đầu vào các trường sư phạm thấp đã tạo nên những luồng dư luận trái chiều. Giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng việc đào tạo giáo viên đang có nhiều vấn đề khiến cho nỗi lo về tương lai dạy học cho con trẻ của xã hội cũng vướng bận nhiều hơn.
Chỉ còn một tuần nữa là các trường THCS, THPT chính thức bước vào năm học mới. Năm nào cũng vậy, cứ bước vào trước thềm năm học mới là câu chuyện xây dựng cơ sở vật chất trường lớp luôn là mối quan tâm của ngành GD-ÐT và các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực khi nhiều trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng chào đón học sinh vào năm học mới. Cùng với xây dựng trường lớp là mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu dạy và học cũng đã được các sở, ngành và địa phương trong tỉnh thực hiện khá chu đáo theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dạy và học mà ngành đã đặt ra.
Ðặc biệt, trước thềm năm học mới này có một tin vui được hàng triệu giáo viên chào đón. Ðó là Nghị định 88/2017/NÐ-CP, ban hành ngày 27.7.2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.9.2017. Nghị định này đã bãi bỏ quy định giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Từ nay, mỗi giáo viên không còn canh cánh nỗi lo trong mỗi năm học đều phải đăng ký, rồi viết sáng kiến kinh nghiệm chỉ để xếp loại thi đua chứ không phải để ứng dụng vào giảng dạy.
Sự nghiệp giáo dục có tầm quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia. Ðầu tư cho giáo dục cần phải được tăng cường, công tác đổi mới giáo dục phải được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Và tất cả các mục tiêu đó có thực hiện được hay không, nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ thầy cô giáo ngày ngày đứng trên bục giảng.
Vì vậy, việc “cởi trói” cho giáo viên không chỉ với việc phải có sáng kiến kinh nghiệm, mà cả việc ràng buộc họ phải viết giáo án bằng tay, tham dự các hội thi, thao giảng những tiết dạy được sắp đặt như diễn và những việc ngoài chuyên môn khác… là thiết thực góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
HẢI ÐĂNG