Chia sẻ khó khăn với người tham gia xuất khẩu lao động
Nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính, hỗ trợ người lao động tham gia xuất khẩu lao động (XKLÐ), mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 30/2017/QÐ-UBND ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017-2020. Quyết định có hiệu lực từ ngày 24.7.2017.
Đối tượng tham gia XKLĐ phần lớn là lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có khát vọng làm giàu. Thế nhưng, chi phí tham gia XKLĐ cộng với chi phí ăn, ở, học tập trước khi xuất cảnh là rào cản làm nhiều lao động ngần ngại trước “cánh cửa” này. Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND đem đến nhiều hy vọng cho người lao động tham gia XKLĐ khi tiếp thu các đề xuất, kiến nghị và điều chỉnh những điểm chưa hợp lý của chính sách trước đó.
Chính sách hỗ trợ vay vốn giúp người lao động đến gần hơn với “cánh cửa” XKLĐ, từng bước thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình.
Người tham gia XKLÐ rất cần được hỗ trợ
Chị Trịnh Bảo Trâm (25 tuổi, quê ở khu vực An Ngãi, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) là một trong số các lao động trúng tuyển đơn hàng nông nghiệp của doanh nghiệp Nhật Bản vào tháng 3.2017 (phiên phỏng vấn do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Công ty CP XKLĐ và Dịch vụ thương mại Biển Đông, Hiệp hội Business Network Nhật Bản tổ chức). Ngày 20.8, chị sẽ xuất cảnh. Chi phí xuất cảnh là 3.500 USD (gần 80 triệu đồng). Trước đó, Trâm trải qua 5 tháng học định hướng và tiếng Nhật tại TP Hồ Chí Minh với chi phí cho ăn, ở, học tập trên 6 triệu đồng/tháng.
Dù không thuộc diện hộ nghèo, song, tổng chi phí hơn 100 triệu đồng cho việc tham gia XKLĐ này không hề nhỏ với gia đình Trâm. Vừa qua, gia đình Trâm đã được xét duyệt vay tín chấp tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã với mức 50 triệu đồng. “Khoản vay giúp tôi và gia đình đỡ phần nào lo lắng. Để đủ chi phí trước khi xuất cảnh, cha mẹ tôi đã vay mượn từ nhiều nguồn khác nữa. Trong khi đó, một số bạn học là người Bình Định sẽ xuất cảnh vào tháng 9.2017 vẫn chưa được hỗ trợ vay vốn và rất lo lắng”, Trâm chia sẻ.
Xây dựng chính sách có lắng nghe thực tế
Tín dụng ưu đãi cho người tham gia XKLĐ là một chính sách lớn của Nhà nước. Trước đó, Chính phủ đã có chính sách cho vay XKLĐ đối với cư dân tại các huyện nghèo, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất, thân nhân người có công với cách mạng (sau đây gọi chung là đối tượng thuộc diện chính sách của Trung ương).
Cuối năm 2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 65/2016/QĐ-UBND về Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh; nguồn dùng để cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định số 65, ngoài các đối tượng thuộc diện chính sách của Trung ương, “đối tượng còn lại” cũng được hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, quy định cho vay đối với người không thuộc diện ưu tiên chưa thật rõ ràng.
Tại Hội nghị triển khai công tác XKLĐ đầu năm 2017, vấn đề này đã được mang ra thảo luận. Đại diện các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ đều kiến nghị UBND tỉnh cần xác định rõ: “đối tượng khác” sẽ được vay bao nhiêu; hình thức vay là tín chấp hay thế chấp. Đồng thời, đề xuất bổ sung đối tượng bộ đội xuất ngũ cũng thuộc diện vay tín chấp đủ mức chi phí để đi làm việc ở nước ngoài.
Và Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND chính là sự phản hồi sau lắng nghe thực tế của UBND tỉnh.
Nhiều ưu điểm trong quy định mới
Không bó hẹp ở đối tượng thuộc diện chính sách Trung ương, Quyết định 30 nêu rõ: là người lao động có hộ khẩu thường trú tại Bình Định có nhu cầu đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài theo hợp đồng ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đi du học điều dưỡng tại Nhật Bản, CHLB Đức qua các đơn vị được cấp phép.
Theo Quyết định số 30, người lao động không thuộc diện chính sách của Trung ương (như hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng...) vẫn được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, chi phí làm thủ tục với mức 3,5 triệu đồng/lao động xuất cảnh.
Riêng về tín dụng ưu đãi, ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ thực hiện cho vay theo từng mức cụ thể đối với từng nhóm đối tượng. Đối tượng thuộc diện chính sách của Trung ương, ngoài mức vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng theo quy định, sẽ được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay tín chấp bổ sung đủ 100% chi phí hợp pháp ghi trong hợp đồng đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Đối tượng là bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ được cho vay tín chấp tối đa 100% chi phí hợp pháp ghi tại hợp đồng XKLĐ. Các đối tượng còn lại được vay tín chấp tối đa không quá 80% chi phí hợp pháp ghi trong hợp đồng.
NGUYỄN MUỘI