Cẩn trọng khi nuôi thú cưng
Một chú chó hiền hòa, một cô mèo xinh xắn, một bé chuột lí lắc… là những người bạn khiến cuộc sống của mỗi người thêm phần thi vị. Thế nhưng, bên cạnh phút giây vui vẻ, êm đềm là không ít nỗi lo cho sức khỏe của thú cưng lẫn gia chủ.
Khám bệnh cho thú cưng ở Phòng khám thú cưng Quang Dung.
Ngày càng có nhiều nhóm được hình thành trên mạng xã hội Facebook của những người mê thú cưng: PETS Quy Nhơn, Hội những người yêu chó Quy Nhơn, Hội thú cưng Quy Nhơn… Có nhóm quy mô lớn, như PETS Quy Nhơn với 5.607 thành viên. Đó là nơi mua bán, trao đổi, tìm thú cưng bị lạc… Và trên hết là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc thú cưng.
Chăm chút cho sức khỏe thú cưng
Cùng với sự phát triển của nhu cầu bầu bạn với các con vật là sự ra đời của các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho thú cưng. Ngoài Bệnh xá Thú y (đường Phạm Ngũ Lão), trên địa bàn TP Quy Nhơn còn có một số địa chỉ đáng chú ý như Phòng khám thú y Quy Nhơn (91/1 Nguyễn Thái Học), Phòng khám thú cưng Quang Dung (85 Nguyễn Thái Học)… Các cơ sở này đều có bác sĩ thú y được đào tạo bài bản phụ trách.
Năm 2009, Nguyễn Xuân Thuận tốt nghiệp ngành bác sĩ thú y của Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Chàng trai trẻ về tiếp nhận công việc của bố mẹ ở Phòng khám thú cưng Quang Dung, đầu tư máy siêu âm chuyên dụng, triển khai nhiều loại xét nghiệm. Ngoài khu khám, khu mổ, phòng khám này còn bố trí khu vực lưu bệnh riêng cho thú mắc bệnh truyền nhiễm.
Một trong những “bệnh nhân” của Phòng khám thú cưng Quang Dung là cô mèo Mimi của anh K.H (ở đường Hà Huy Tập, TP Quy Nhơn). Mimi bị sỏi thận, được điều trị suốt từ ngày 7.8 đến nay. Trước đó, Mimi cũng được triệt sản ở phòng khám này. Cũng như các thú cưng khác, Mimi có bệnh án riêng để theo dõi.
Bên cạnh điều trị tại chỗ và ở nhà khách hàng, các cơ sở thú y còn thực hiện tiêm phòng và cung cấp các dịch vụ khác như tắm, cắt lông, cạo vôi răng… Phòng khám thú cưng Quang Dung cấp hẳn sổ theo dõi sức khỏe thú cưng cho khách hàng; có phần mềm quản lý, nhân viên gọi điện nhắc lịch tiêm chủng. Ngoài bệnh dại, còn có vắc-xin phối hợp chủng ngừa 7 loại bệnh phổ biến khác ở chó.
Bảo vệ cho mình!
Bên cạnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho thú cưng, an toàn cho “khổ chủ” cũng là vấn đề quan trọng cần quan tâm. Đặc biệt là với những trường hợp cuồng thú cưng, ăn, ngủ cùng chó, mèo. Mới đây, một bác sĩ chuyên ngành da liễu đã bị chú chó cưng cắn 2 phát vào tay. Căng nhất là chú chó ốm rồi chết ngay sau đó. Báo hại chị phải đi tiêm phòng dại với không ít tác dụng phụ, cùng yêu cầu phải làm việc nhẹ nhàng, giữ gìn sức khỏe.
Bác sĩ thú y Nguyễn Đức Thành (Phòng khám thú y Quy Nhơn) cho hay, tuy không phổ biến, nhưng vẫn có người mang bệnh vì quá gần gũi với thú cưng mà không biết cách phòng ngừa. Hai vấn đề quan trọng mà người nuôi cần chú ý là xổ giun định kỳ cho thú cưng, đồng thời phải dùng thuốc chuyên dụng để diệt ve, rận.
Bệnh giun đũa chó mèo là một mối lo phổ biến đối với người chung sống với thú cưng. Giun ký sinh trong ruột non của chó và mèo. Giun cái trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân của chó hoặc mèo ra ngoài và phát triển thành ấu trùng. Sau đó lây nhiễm cho con người chủ yếu qua đường tiêu hóa, số ít có thể qua da. Khi vào cơ thể người, trứng này nở ra ấu trùng. Ấu trùng giun đũa chó, mèo theo đường tiêu hóa sẽ được hấp thu vào máu và có thể đi khắp nơi trong cơ thể, di chuyển đến các cơ quan như gan, phổi, tim, mắt, não và các mô khác. Một số triệu chứng của bệnh này là ngứa da, gan to, đau bụng hoặc khó chịu, có thể ho và khó thở liên quan đến phổi. Nếu ấu trùng giun đũa chó mèo đến mắt sẽ gây mù mắt, đến não sẽ gây co giật, hôn mê; tuy nhiên các trường hợp này rất hiếm gặp.
Theo các bác sĩ chuyên ngành ký sinh trùng, giun đũa chó mèo không lây từ người sang người, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là hạn chế tiếp xúc với chó, mèo, đặc biệt là chó mèo con như ôm hôn, bồng, bế... Quá trình nuôi phải vệ sinh môi trường kỹ lưỡng, không để chó mèo phóng uế bừa bãi. Người nuôi phải chú ý ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống; luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; hạn chế đi chân đất.
MAI LÂM