Thương những góc nhìn tuổi nhỏ
“Những nụ hôn trên trán” là tập truyện nhỏ tập hợp những truyện ngắn hay tham gia cuộc thi “Gõ cửa trái tim” do dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức. Tám cây viết với phong cách khác nhau đã hòa mình vào những góc nhìn thơ ngộ.
Tuổi nhỏ luôn nhìn sự vật, hiện tượng theo đúng tâm lý của mình, trực quan, sinh động; và cảm nhận theo những gì rất thực, thậm chí đôi lúc còn tinh, “nhạy” hơn người lớn. Trong truyện “Cây pha lê”, cô bé Mỹ Hạnh ở trại mồ côi ước ao có được một mái ấm gia đình. Em đã thấy ngay nỗi mong chờ đó, dù là trong khoảnh khắc: “Mai Lâm chạy đến mẹ mình đang nói chuyện […] nắm tay mẹ. Lập tức người mẹ nhìn xuống mỉm cười. Mỹ Hạnh không hiểu gì hết, nhưng có một điều gì đó thật đẹp nhưng rất buồn làm Mỹ Hạnh cay mắt”.
Đặc biệt, thế giới xung quanh tác động vào các bé rất nhiều khiến các bạn nhỏ đã bắt đầu so sánh, cảm nhận. Cô bé Thoa trong truyện “Không kết nối” dễ dàng nhận ra “Chưa một lần gặp nhưng qua cách Nhi một điều “mẹ bảo…”, hai điều “mẹ bảo…” lễ phép và trìu mến, Thoa cũng đủ hiểu là mẹ con nhà nó gần gụi và thiết thân với nhau đến đâu”.
Và người lớn là một điều gì hết sức kì lạ và mới mẻ đối với tuổi nhỏ. Đó là suy nghĩ diệu kỳ: “A, con biết rồi. O Thư là nhà văn, cái gì o Thư cũng biết…”. Hay, “Cứ hễ lần nào có câu chuyện hơi dài thì ông Tư cố tình chèo thật chậm để kể cho bằng hết. Chuyện nào cũng có buồn có vui, cũng xốn xang, ray rứt…”. Người lớn sẽ thật hạnh phúc khi mình là tấm gương, mình phải hoàn thiện hơn nữa.
Góc nhìn tuổi nhỏ không thể thiếu cái nhìn về người bạn khác giới, về ước mơ; nhưng rốt cuộc, đó cũng là những cái nhìn đẹp, thánh thiện. Hãy nghe một ước mơ: “Khi đặt những cây thước nối tiếp nhau, em sẽ đi thẳng tới ngân hà”.
Hiểu được những suy nghĩ đó để chinh phục con trẻ của mình, khó gì phải không, người lớn?
T.L