Chuyện Y Đức !
Tiếp nhận những dòng thông tin liên tục trên các báo, đài về việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm của Bệnh viện huyện Hoài Đức (Hà Nội) không ít người phải giật mình trước sự liều lĩnh, coi thường sức khỏe, tính mạng con người của một số bác sĩ, nhân viên làm công tác xét nghiệm ở đây. Những ai giàu tưởng tượng nhất cũng khó có thể nghĩ tới sự… thất đức của những người này lại liều lĩnh đến mức như vậy. Đáng tiếc, câu chuyện tưởng như là chuyện tày trời này lại là chuyện có thật… “trăm phần trăm” (!).
Cho đến thời điểm này, trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, các cơ quan chức năng đã được chỉ đạo điều tra, xử lý vụ việc đến nơi, đến chốn. Bước đầu, lãnh đạo và các cán bộ y tế liên quan đến vụ việc đã bị đình chỉ công tác chờ xử lý. Cơ quan công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, với những người bệnh đã từng khám và điều trị tại bệnh viện này thì sự lo lắng vẫn còn nguyên, họ chưa thể biết liệu có hậu quả xấu nào xảy ra đến với mình hay không. Xét về khía cạnh chuyên môn trong việc khám chữa bệnh, một sai lệch trong xét nghiệm là vô cùng nguy hiểm với tính mạng con người. Thế mà ở đây một kết quả xét nghiệm lại được tận dụng nhân bản gán cho nhiều người khác. Một khi bệnh nhân nhận được kết quả xét nghiệm không đúng với căn bệnh của mình thì làm sao bác sĩ có thể mang lại kết quả điều trị tốt được? Với số lượng lên đến cả ngàn mẫu xét nghiệm bị sai lệch, cũng đồng nghĩa với hàng ngàn bệnh nhân không được điều trị đúng bệnh trạng, rõ ràng mối nguy hại do các việc làm không có nhân tính nói trên là rất khó lường.
Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ việc tiêu cực liên quan đến ngành y tế. Điều đó cộng với thực trạng khám chữa bệnh trên cả nước còn nhiều bất cập, đã gây không ít bức xúc cho người dân. Trong mắt nhiều bệnh nhân, một bộ phận các bác sĩ, nhân viên y tế không còn là “từ mẫu” bởi cách hành nghề thiếu đạo đức, đối xử với người bệnh thiếu văn hóa, thậm chí còn tìm mọi thủ đoạn “móc túi” người bệnh…. Vụ việc vừa nêu ở bệnh viện Hoài Đức, với tính chất mất nhân tính của nó, thêm một lần nữa phản ánh thực trạng xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận những người làm nghề thầy thuốc hiện nay.
Từ xưa đến nay, danh xưng “Lương y như từ mẫu” - “Thầy thuốc như mẹ hiền”, không chỉ đơn thuần là những mỹ từ để ngợi ca mà chính là sự tôn trọng được người đời dành riêng để nói về nghề thầy thuốc. Có lẽ đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, đúng hơn là báo động, về sự xuống cấp đạo đức của nghề y hiện nay. Và với đại đa số lực lượng y tế cả nước, những người hàng ngày, hàng giờ vẫn đang dồn tất cả tâm huyết, tay nghề để chăm lo sức khỏe mọi người, thể hiện đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp của hai từ y đức thì đấy là nỗi đau không thể nói thành lời.
Ở nước ta, cũng như nhiều nước trên thế giới, những người học ngành y ra trường, trước khi hành nghề thầy thuốc đều phải đọc Lời thề Hypocrate như một tuyên thệ về y đức. Trong lời thề này, có những nội dung rất cụ thể như: “chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh…, tránh mọi điều xấu và bất công”; “suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”; “chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại”… Rõ ràng, hành vi của một số bác sĩ, nhân viên y tế ở bệnh viện Hoài Đức đã vi phạm lời thề thiêng liêng này. Vì vậy, cần phải loại ra khỏi ngành y những kẻ làm việc thất đức để bảo vệ trọn vẹn ý nghĩa thiêng liêng và cao quý của hai chữ Y Đức.
Hải đăng