Chuẩn bị cho con vào lớp 1
Ðang có không ít phụ huynh xem việc cho con học đọc, học viết trước khi vào lớp 1 là cần thiết. Họ kỳ vọng, bằng việc này, các cháu sẽ có một số thuận lợi ở lớp đầu cấp. Nhưng theo các chuyên gia, việc trang bị tâm lý và các kỹ năng để con có thể thích nghi với môi trường học tập mới quan trọng hơn rất nhiều.
Trẻ lớp lá, Trường Mầm non Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn).
Tạo nền nếp sinh hoạt, đúng giờ giấc
Cu Mít nhà anh Thi, chị Hoa (huyện Hoài Nhơn) vừa “tốt nghiệp” trường mẫu giáo, chuẩn bị vào lớp 1. Mùa hè, vợ chồng chị quyết tâm thực hiện thời gian biểu mới, cụ thể chi tiết cho từng thành viên, phần của con, anh chị dán ngay đầu giường con ngủ.
“Thời gian biểu của Mít vào buổi sáng được quy định cụ thể như sau: 5 giờ 30 phút thức dậy, đánh răng, mặc quần áo. 6 giờ ăn sáng, uống sữa. 6 giờ 15 phút ba chở đi học”, anh Thi trò chuyện. Ngồi kế bên, chị Hoa thở dài, tiếp lời chồng: “Chỉ có bấy nhiêu chuyện thôi mà suốt cả năm học lớp Lá, Mít chưa làm được. Lý do là vì con ăn chậm, buổi tối ăn tới gần 8 giờ mới xong, sợ con ngủ ngay sẽ có hại cho tiêu hóa nên ba mẹ cho con xem phim. Riết rồi Mít quen thức khuya, thường đến hơn 10 giờ mới đi ngủ. Sáng nào đi học thì 6 giờ 30 phút dậy, ngày Chủ nhật có khi ngủ đến hơn 7 giờ sáng. Lúc trước, học mẫu giáo, giờ giấc thong thả, nhưng nay, cả hai vợ chồng đều thấy lo!”.
Liên quan đến chuyện ăn chậm, nhà hàng xóm chị Hoa cũng đang lo xoắn xuýt và tích cực tập cho bé Bơ sắp vào lớp 1 nhai nhanh, nuốt nhanh. “Các cô mẫu giáo than trời vì cái tật nhai không chịu nuốt của Bơ. Bữa ăn nào các bạn nằm ngủ hết, Bơ cũng còn ngồi nhai. Sắp tới, Bơ vào lớp 1 ở bán trú, ăn uống kiểu vầy, vợ chồng tôi không yên tâm chút nào hết nên phải tập cho con ăn uống nhanh hơn”, anh Thuận, ba của bé Bơ, tâm sự.
Tại một số trường tiểu học có chế độ bán trú, nhiều cô bảo mẫu cho biết, luôn có không ít học sinh lớp 1 vẫn giữ y nguyên nền nếp sinh hoạt, giờ giấc, thói quen ăn uống như hồi còn học mẫu giáo. Trong đó có một số em thích nghi rất chậm, có khi sang tận học kỳ 2 vẫn chưa thay đổi gì nhiều. “Việc ấy ảnh hưởng rất lớn nền nếp sinh hoạt của lớp và cả việc học tập của các em”, các cô bảo mẫu đúc kết.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui!”
Thạc sĩ tâm lý Đào Thị Hồng (Trường CĐ Bình Định) cho biết, điều này cực kỳ quan trọng với học sinh lớp 1, nhất là trong những tuần đầu vào năm học mới.
“Ngoài nỗ lực của các giáo viên ở trường, sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh vô cùng quan trọng, để trẻ không cảm thấy xa lạ với trường lớp, thầy cô, bạn bè, không bị áp lực học tập, và luôn vui vẻ đến trường”, thạc sĩ Hồng phân tích.
Gần hai tuần qua, chiều nào anh Xuân (phường Thị Nại, Quy Nhơn) cũng chở cô con gái ghé vào Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt chơi. Dẫn con đi vòng quanh khuôn viên trường, anh chỉ đây là trụ cờ, đây là phòng học, có bàn ghế sắp tới con sẽ ngồi học, khi cô giảng bài phải ngồi im lắng nghe cô... “Dần dà, con gái quen thuộc với ngôi trường, tự mình chạy vòng vòng rồi quay lại hỏi: “Con sẽ ngồi ở bàn kia phải không ba? Phải ngồi ngay ngắn, khoanh hai tay nghe cô giáo giảng bài, đúng không ba? Sáng thứ Hai, phải ra đây xếp hàng để chào cờ nữa nè ba?”. Hôm rồi, tôi dẫn con đi mua đồ dùng học tập. Ở nhà, con cứ lấy hai bộ đồ đồng phục ra nhìn hoài, háo hức hỏi khi nào con mặc đồ mới đến trường hả ba?” anh Xuân vui mừng kể.
Thạc sĩ Đào Thị Hồng khuyên, ngày đầu tiên đi học rất quan trọng với trẻ, ba mẹ cần dành thời gian đi cùng con. Nếu trẻ quấy khóc, đừng dọa nạt, la mắng, đừng kéo trẻ vào lớp rồi bỏ đi... tạo cho trẻ cảm giác bơ vơ, lạc lõng.
“Ở trường mầm non, trẻ học tự do hơn nên khi vào lớp 1, có nội quy rõ ràng, trẻ không thể thích nghi ngay được. Một số biểu hiện tiêu cực là trẻ khóc lóc, không chịu đến trường, thậm chí tỏ ra sợ hãi. Ở giai đoạn này, trẻ còn có những thay đổi về thể chất như rụng răng sữa, mọc răng hàm, cộng với nền nếp sinh hoạt mới nên dễ mắc bệnh. Các bậc cha mẹ hãy quan tâm, lắng nghe con, đừng dọa nạt làm tổn thương trẻ”, thạc sĩ Hồng tư vấn.
NGỌC TÚ