Lê Ðại Cang với vùng đất phên dậu Tây Nam
Lê Đại Cang (1771-1847) - còn gọi là Lê Đại Cương, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt hiệu Cư Chính Thị, sinh năm Tân Mão (1771) tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là cháu 6 đời của công thần Lê Công Triều tháp tùng Chúa Nguyễn vào Nam.
Ông là một vị quan triều Nguyễn, trải qua 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Trong 40 năm làm quan, từ năm 1802 tới năm 1842, từ chức tri huyện tới chức quyền Tổng trấn, Thượng thư, Tham tán đại thần… thực thi nhiệm vụ ở khắp 3 miền đất nước, trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao và có nhiều đóng góp rất đáng quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy vậy, cuộc đời và sự nghiệp của ông chưa được quan tâm và tôn vinh đúng mức.
Tháng 1.2013, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Viện Sử học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Lê Đại Cang - tấm gương kẻ sĩ”. Tiếp theo đó, tháng 7.2016, UBND TP Châu Đốc, Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Viện Sử học Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang”. Tập sách “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang” gồm 41 tham luận trong số hơn 70 tham luận tại hội thảo, do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành (7.2017).
Mặc dù tên Hội thảo cũng như tên tập sách là “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang” nhưng hành trạng và công nghiệp của ông không phải chỉ gói gọn với tỉnh An Giang mà còn mở rộng ra khắp miền Nam. Từ các tham luận trong tập sách, chân dung Lê Đại Cang được khắc họa rõ nét với những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất phên dậu xung yếu ở Tây Nam đất nước.
ÐÔNG A