Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ 22: Ghi dấu và gợi mở
Lần đầu tiên với quy mô mở rộng, Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 22 - năm 2017 (gọi tắt là Triển lãm) đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP Quy Nhơn (47 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn) hội tụ nhiều tác phẩm đẹp, thu hút được đông đảo công chúng.
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Trên từng lát cá” (chất liệu gỗ và sắt) của họa sĩ Lê Trọng Nghĩa. Ảnh: VĂN LƯU
Chất lượng chuyên môn cao, ý nghĩa
“Triển lãm mỹ thuật khu vực, lần đầu tiên tổ chức với quy mô mở rộng, do đó tác phẩm cũng đa dạng hơn về đề tài, góc nhìn, ngôn ngữ, cách thể hiện, phong cách nghệ thuật. Đây cũng là kỳ triển lãm khu vực đầu tiên mà hội đồng nghệ thuật có đến đại diện 3 miền cùng tham gia (Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh), khiến chất lượng đánh giá, phê bình tác phẩm, kết quả xét chọn giải thưởng đa dạng, toàn diện, chính xác hơn”, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ.
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, thành viên Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam, điểm thành công chung nhất là Triển lãm đã phản ánh sự phát triển và ổn định của mỹ thuật khu vực. Trong mỗi cá nhân đều có dấu ấn của sự tìm tòi, nỗ lực, bứt phá, đổi mới, sáng tạo. Ngoài 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên vẫn giữ được phong độ, một số địa phương có bước tiến rõ rệt như Đà Nẵng, Bình Định… Đặc biệt, lực lượng trẻ có dấu hiệu tăng về số lượng lẫn chất lượng.
Bên cạnh thành công về công tác tổ chức và mặt chuyên môn, Triển lãm còn có một ý nghĩa rất quan trọng. “Cùng với cơ hội trao đổi, giao lưu, Trung ương Hội xác định, triển lãm khu vực V mở rộng lần này là dịp để xem xét 3 vùng xem có sự cách biệt hay không, có tình trạng ốc đảo về nghệ thuật không? Chính Triển lãm đã mang lại cái nhìn khái quát cho cả khu vực miền Trung, là gạch nối giữa 2 miền để từ đó tạo một thế đứng cho mỹ thuật cả khu vực miền Trung”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhấn mạnh về tính chất quan trọng của kỳ triển lãm đặc biệt này.
Mỹ thuật Bình Ðịnh: tiềm năng và khởi sắc
Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao công tác tổ chức Triển lãm của Bình Định, tinh thần trọng thị dành cho nghệ thuật và sự quan tâm, đầu tư để kéo các sự kiện mỹ thuật lớn về tổ chức trong tỉnh, nâng cao thị hiếu thưởng thức mỹ thuật trong công chúng địa phương.
Rất đông công chúng yêu nghệ thuật đến với Triển lãm. Ảnh: VĂN LƯU
Đánh giá về chất lượng chuyên môn của tác phẩm Bình Định tại Triển lãm, trong tư cách là thành viên Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, phụ trách khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên nhận xét, chỉ cần so với kỳ triển lãm khu vực gần nhất, mỹ thuật Bình Định đã cho thấy bước tiến đáng kể. Từng tác phẩm, tác giả đều cho thấy nỗ lực tìm tòi, khám phá, sâu sắc hơn ở đề tài, nội dung và tinh tế, vững chắc hơn về bút pháp. Tác giả Lê Trọng Nghĩa tiếp tục khẳng định thế mạnh của mình ở thể loại điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Tại Triển lãm, tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Trên từng lát cá” (chất liệu gỗ và sắt) của anh đạt giải B của Hội Mỹ thuật Việt Nam - 1 trong 3 giải B tại Triển lãm (không có giải A).
Hội đồng nghệ thuật cũng ghi nhận nỗ lực tìm tòi rõ nét của một số tác giả là hội viên địa phương và chưa hội viên. “Điều đáng mừng nhất của mỹ thuật Bình Định là sự tiếp nối liên tục giữa các thế hệ sáng tác và nhân tố trẻ bộc lộ tiềm năng. Điều này càng quý hơn vì Bình Định chưa phải là địa phương phát triển sôi động về mỹ thuật để thu hút họa sĩ ở nơi khác đến, sinh viên kiến trúc, mỹ thuật sau khi ra trường về làm nghề, hoạt động nghệ thuật!”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhận định.
Vài băn khoăn
Tại buổi tọa đàm sau khai mạc Triển lãm, họa sĩ Ca Lê Thắng (Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) nêu cảm nhận: “Giá mà có thể bù khuyết được điều trái ngược giữa triển lãm, phòng tranh ở các tỉnh, thành lớn và ở các địa phương. Khi xem một số tranh của TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, tôi cảm nhận một “vẻ đẹp lạnh” vì dinh dưỡng cuộc sống trong đó ít hoặc nhạt, cũ nhưng được thể hiện với một hình thức rất tinh. Còn tại Triển lãm này, cảm giác ấm áp bởi chất đời sống, hàm lượng nội dung ngồn ngộn trong tác phẩm; tuy vậy giá trị nghệ thuật về mặt hình thức của tác phẩm còn mộc, thô, vụng. Đây là điểm các tác giả ở khu vực cần khắc phục và nỗ lực, vì nội dung tốt khi được chứa đựng, biểu hiện bằng hình thức đẹp sẽ tôn giá trị tác phẩm lên rất nhiều…”.
Bên cạnh đó, một số hạn chế trong khai thác đề tài và cách thể hiện cũng được lưu ý, như đề tài về chủ quyền biển - đảo, con người xứ biển, cuộc sống gắn với biển... ở họa sĩ các tỉnh Nam miền Trung được phản ánh chưa nhiều và còn trùng lặp, chưa đa dạng, bứt phá; tình trạng giống nhau ở lối bố cục dàn hàng ngang và lạm dụng, đơn điệu trong sử dụng 3 tông màu đỏ, đen, trắng khi vẽ về đề tài người dân tộc thiểu số ở họa sĩ các tỉnh Tây Nguyên; tác phẩm mỹ thuật ứng dụng còn hiếm hoi và chất lượng chưa cao…
Tuy chỉ xảy ra với vài trường hợp đơn lẻ, nhưng vấn đề đặt tên cho tác phẩm, gắn với việc xác lập nội dung cụ thể cho tác phẩm, tác động đến định hướng tiếp nhận của công chúng được nhiều thành viên Hội đồng nghệ thuật lưu ý. Phần đông đều lấy làm tiếc khi nói về “Những cái kén” (tượng tròn) của Nguyễn Văn Vinh - Gia Lai và “Người đương thời” (tổng hợp) của Nguyễn Văn Huy - Quảng Nam - hai tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao nhưng “có vấn đề” ở tên gọi. Họa sĩ Trần Khánh Chương gửi gắm: “Nghệ thuật sinh ra để phục vụ đời sống, làm cuộc sống tốt đẹp hơn lên. Giá như 2 tác phẩm, đặc biệt là “Những cái kén”, có tên gọi liên quan đến các vấn đề như chiến tranh, khủng bố… , qua đó tác giả đã đồng thời thể hiện góc nhìn, vấn đề mình trăn trở, từ đó hướng sự quan tâm của công chúng, thì tốt quá, chắc chắn đã đạt giải cao. Nghệ sĩ khi sáng tạo, thực hiện thiên chức của mình phải luôn nhớ: nghệ thuật không thể tách rời khỏi đời sống và chính trị!”.
Kết quả bộ giải thưởng của tỉnh (do Hội đồng nghệ thuật Triển lãm chấm, chọn và Hội VHNT Bình Định trao giải):
1 giải A - “Trên từng lát cá” (Lê Trọng Nghĩa).
2 giải B - “Thu lưới” (Lê Duy Khanh) và “Biển chờ” (Nguyễn Quốc Ðịnh).
2 giải C - “Xưởng đóng tàu” (Lê Thị Tuấn) và “Oai vệ” (Nguyễn Thế Trường).
SAO LY