NSND Bạch Diệp - nữ đạo diễn "thép" của điện ảnh Việt Nam
Với sức làm việc không mệt mỏi và quyết đoán, NSND Bạch Diệp được đồng nghiệp gọi là "nữ tướng trường quay", "người đàn bà thép"...
Nhận được điện thoại từ đồng nghiệp, tôi mới biết Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 17/8/2013. Dẫu biết đây là sự ra đi đã được báo trước vì trong một cuộc gặp cách đây gần nửa năm tôi đã thấy bà gầy yếu đi nhiều. Nhưng sau khi nghe được tin dữ, tôi thấy mình mắc nghẹn bởi còn nợ bà một lời hứa. Hứa rằng sẽ đến thăm và tặng đĩa CD in chương trình lần cuối bà đã trả lời phỏng vấn trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/2013).
Người nghệ sĩ rất đỗi thân thiện ấy đã tâm sự về cuộc đời làm nghệ thuật của mình tại một nơi được xem là rất đặc biệt: Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, nơi bà điều trị căn bệnh ung thư quái ác. NSND Bạch Diệp đã mở đầu câu chuyện bằng câu nói rưng rưng: “Tôi đã đi mổ mấy lần rồi. Mặc dù nằm trên giường bệnh, nhưng mỗi lần nghĩ đến điện ảnh tôi vẫn thấy một niềm vui sống”.
Hẳn thế, khi nói về điện ảnh ánh mắt của bà trở nên có hồn hơn, giọng nói hoạt hơn và đặc biệt là ở người đàn bà đã bước qua tuổi 80 tuổi vẫn còn nhớ như in những gì đã trải qua.
Đến với điện ảnh hoàn toàn có chủ ý, NSND Bạch Diệp nung nấu quyết tâm theo đuổi ngay từ khi còn rất trẻ. Từ những năm 1950-1960, Bạch Diệp đã thật sự bị hấp dẫn sau khi xem phim của điện ảnh Liên Xô hay điện ảnh Pháp sản xuất.
Đến khi đi tham gia kháng chiến, làm công việc của một người cán bộ tham gia Hội phụ nữ, bà vẫn không thôi lắng nghe tin tức để tham gia lớp đào tạo về điện ảnh. Sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, đang làm việc ở báo Nhân dân thì cơ duyên đã đến. Bạch Diệp đăng ký theo học khóa đào tạo đạo diễn do chuyên gia Liên Xô dẫn lớp.
Vậy là từ năm 1959 cho đến cuối đời, không một lúc nào Bạch Diệp dời xa điện ảnh. Với sức làm việc không ngơi nghỉ và sự quyết đoán trong công việc, đồng nghiệp từng đặt cho bà nhiều biệt danh: “Nữ tướng trường quay”, “Con hổ trường quay” hay “Người đàn bà đanh thép”…Với tôi, đơn giản Bạch Diệp là một phụ nữ bé nhỏ với vẻ ngoài giản dị nhưng những bộ phim bà thực hiện thì thật sự mang tính xã hội lớn lao.
NSND Bạch Diệp thường chỉ chọn làm phim về những vấn đề nhức nhối. Khi và chỉ khi thực sự hiểu vấn đề và có nghiên cứu sâu sắc thì bà mới bắt tay vào thực hiện. Về một trong những bộ phim tâm đắc nhất trong cuộc đời làm phim của mình, Bạch Diệp thường hay nhắc đến Ngày lễ thánh, điều này có lý do của nó.
Ngày lễ thánh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Bão biển” của nhà văn Chu Văn. Trước đó, tác phẩm đã phải qua bao nhiêu cửa ải duyệt đi duyệt lại từng câu từng chữ rất thận trọng, vì đề cập tới đề tài nhạy cảm, đụng chạm đến vấn đề tôn giáo. Với vốn kinh nghiệm từng làm bí thư phụ trách công giáo toàn tòng khi còn là một huyện ủy viên, Bạch Diệp đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần rồi nảy ra cái tứ kể về cuộc đời một người đàn bà bị tư tưởng thần quyền áp chế.
Chị trở nên không còn sáng suốt, mê muội và tự ti về thân phận bé mọn. Đấy là một bi kịch và Bạch Diệp muốn chỉ ra điều đó trong Ngày lễ thánh. Bộ phim này đã được chuẩn bị kỹ càng từ kịch bản cho đến khâu tuyển chọn diễn viên. Ngay từ đầu, Bạch Diệp nghĩ chỉ có Trà Giang với đôi mắt “biết nói” mới có thể lột tả được hết nội tâm của nhân vật.
Sau này nghệ sĩ nhân dân Trà Giang có kể lại: vai Nhân trong Ngày Lễ Thánh là nhân duyên giữa tôi và đạo diễn Bạch Diệp. Nhân là một phụ nữ công giáo rất mê muội, tách rời hội nhập với cuộc sống mới. Tôi hoàn toàn lột xác trong kiểu nhân vật mới này. Đây là vai diễn duy nhất trong cuộc đời diễn viên của tôi là làm ca sĩ, phải vào nhà thờ hát thánh ca. Với vai diễn này, NSND Trà Giang vinh dự được nhận giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4, năm 1977.
Lặp lại số phận thăng trầm của cuốn tiểu thuyết “Bão biển”, quá trình kiểm duyệt bộ phim Ngày lễ thánh cũng thật sự khiến người trong cuộc phải nín thở. NSND Bạch Diệp nhớ lại những cái lắc đầu quầy quậy của cán bộ quản lý văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin ngày ấy khi duyệt kịch bản.
Sau một vài điều chỉnh, bộ phim mới được phép bấm máy. Tiếp đó, Tổng Bí thư Trường Chinh và nhà thơ Tố Hữu phụ trách tuyên huấn duyệt hình rồi mới cho lồng tiếng. Bộ phim được cả hai ông rất ủng hộ vì thể hiện rất có lý, có tình những vấn đề lớn của đồng bào công giáo.
Ngay cả những đoạn được xem là nhạy cảm đã bị cắt cúp trước đó, TBT Trường Chinh cũng cho phép thông qua. Bạch Diệp đã kịp báo cáo còn giữ lại những đoạn bị cắt để trám vào. Thời điểm bộ phim ra mắt, người công giáo đến xem rất đông. Họ nhận thấy rõ ràng các nhân vật trong phim gần gũi như đời thường; cảnh làng xóm, đi lễ nhà thờ chiều chiều, cảnh sinh hoạt của các vị chức sắc trong xóm đạo, ngoài đời không khác là mấy. Có cả những điều mà phải đọc truyện, xem phim họ mới biết.
Những thách thức gặp phải trong quá trình làm phim Ngày lễ thánh thể hiện rất rõ tính quyết đoán của NSND Bạch Diệp. Dù làm phim trong hoàn cảnh chiến tranh hay làm phim trong thời bình, cái gì đã lên ý tưởng thì Bạch Diệp phải quyết tâm làm bằng được.
Đơn cử trường hợp làm phim Hoa ban đỏ nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Có những cảnh quay phải bắn đạt thật. Đoàn làm phim đã dàn xong cảnh. Ba khẩu pháo 81 ly vừa bắn loạt đầu tiên thì thấy người chỉ huy kêu “dừng”. Chẳng là do sự cố và cũng là điềm may, quả pháo đã không phát nổ gần vị trí của đạo diễn Bạch Diệp và các đồng nghiệp.
“Lúc ấy, mặt mày ai cũng tái xanh vì sợ. Tôi động viên anh em làm lại. Nếu mình tỏ ra hoang mang là ảnh hưởng đến tinh thần làm phim của anh em. Không chừng sẽ không tiếp tục quay được nữa” – NSND Bạch Diệp kể.
Đam mê nghề nên có những cảnh quay dù khó mấy bà cũng phải làm bằng được. Thời gian quay bộ phim Người về đồng cói ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) khiến tôi nhớ mãi. Đây là một huyện mà hạm đội Mỹ thường xuyên càn quét. Người dân Vĩnh Bảo sơ tán hết mà mình lại quay ngay tại đó. Ở ngoài trường quay, mỗi người phải tự đào lấy hầm cá nhân trú ẩn. Việc này ngại lắm nhưng bắt buộc phải làm vì tính an toàn cho đoàn làm phim. Đào xong mới bắt đầu quay. Đang làm phim thì Đoàn cần đến xăng. Xăng hết buộc phải xin xăng ở quân đoàn đóng tại Vĩnh Bảo.
Nếu không có sự khôn ngoan, đến mức “lỳ” của đạo diễn Bạch Diệp chắc đoàn làm phim chỉ còn cách gác máy. Thời điểm đó khan hiếm xăng, nó được ví như “ máu” của người lính để phục vụ chiến đấu. Bạch Diệp đã thuyết phục người chỉ huy quân đoàn rằng đoàn làm phim cũng đang thực hiện nhiệm vụ như người lính mà thôi.
Hơn nữa, đây lại là bộ phim kể người lính sau khi làm nhiệm vụ ở hậu phương trở về. Cho nên giúp đoàn làm phim cũng là giúp những người đồng chí, đồng đội. Tất nhiên, với những lý lẽ hợp tình, hợp lý như thế, bộ phim vẫn được tạo điều kiện để quay tiếp.
Cái cách làm phim vừa cương, vừa nhu của Bạch Diệp quả là ấn tượng. Sự quyết đoán, tỉnh táo trong cách làm phim của bà thật ra không nằm ngoài trái tim của một người đàn bà đầy thiên tính nữ. Có lẽ vì thế mà những thước phim bà làm ra rất nữ tính, hằn rõ một Bạch Diệp của cuộc đời thực. Người ta có thể tìm thấy tâm sự rất đàn bà của Bạch Diệp qua những bộ phim như Huyền thoại về người mẹ, Ngõ hẹp, Tia nắng mong manh... Trong đó, Huyền thoại về người mẹ (một trong những bộ phim giúp nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp nhận giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2007) kể về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với sự hy sinh của những người ở hậu phương.
Để có được sự thành công trong Ngày lễ thánh, Huyền thoại về người mẹ hay nhiều bộ phim khác, Bạch Diệp đã tự học hỏi rất nhiều. Bà cho rằng, nghiệp làm phim mà không tự sửa mình, luôn cho mình là giỏi hơn người thì chẳng bao giờ có phim hay. Có một điều khá đặc biệt ở NSND Bạch Diệp mà không phải ai cũng biết, đó là cách xem phim đầy kiên nhẫn của bà.
“Tôi xem phim nhiều, kể cả những phim mà người khác thấy dở tệ. Nhưng bộ phim đó chưa hẳn đã là đồ bỏ đi. Có thể cách dựng rất giỏi, diễn xuất của diễn viên và âm nhạc cũng rất ổn chỉ có cốt truyện thì mình không thích mà thôi. Thế nhưng tôi vẫn xem đến cùng. Tôi học thường xuyên ở trên phim.” – bà kể.
NSND Bạch Diệp có nhiều kinh nghiệm làm phim nhưng bà tự nhận mình có khuyết điểm là không “dạy” ai làm phim cả. Bà nói: “Ai đi với tôi, học được cái gì thì học. Có đạo diễn trẻ đi làm phim với tôi bảo ‘Có đạo diễn hiền lành, dễ dãi chứ cô thì nghiêm khắc quá, có nhiều lúc sợ. Nhưng sợ rồi mới thấy trưởng thành lên nhiều”.
Tâm sự điều này, tôi thấy mắt NSND Bạch Diệp ánh lên niềm vui. Đúng là NSND Bạch Diệp có rất nhiều bạn nghề. Với điện ảnh, chẳng bao giờ bà thấy mình cô đơn cả.
Thế nhưng, cuộc sống riêng tư của bà thì có. Tôi nhận thấy điều đó trong câu chuyện bà chia sẻ. Bà nói về hai người chồng đã mất và cả về điều bà mong mỏi nhất trong cuộc đời không bao giờ có được: đó là một đứa con.
Viết đến dòng này, tôi thấy lòng rưng rưng khi vẫn cảm nhận đâu đây cái hôn tạm biệt bà dành cho tôi và cả cái ôm thật chặt…Sự nhẹ nhàng của một người đàn bà luôn khao khát được làm mẹ, sự rắn rỏi của một người đàn bà cứ nói chuyện là nói đến công việc, thật sự khiến bất cứ ai cũng phải nao lòng.
Những dòng tâm sự này được ghi lại từ cuộc trò chuyện cuối cùng với NSND Bạch Diệp trên giường bệnh như một nén tâm hương gửi đến NSND Bạch Diệp trong ngày bà rời xa cõi tạm về cõi vĩnh hằng...
. Theo Thu Phương (VOV)