Bộ Giáo dục sẽ giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm tới
Trước mắt Bộ Giáo dục giảm mạnh chỉ tiêu sư phạm; về lâu dài sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường, còn 8-10 trung tâm đào tạo giáo viên.
Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Minh Minh
Câu chuyện tuyển sinh năm 2017 của các trường sư phạm với điểm chuẩn thấp, chỉ tiêu nhiều, trong khi số lượng giáo viên dư thừa hơn 26.000, khiến dư luận quan tâm. Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng đã trao đổi với VnExpress về vấn đề này.
- Qua đợt một tuyển sinh năm 2017, bà đánh giá thế nào về công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng sư phạm?
- Cùng với hệ thống đại học cả nước, các trường đại học, cao đẳng sư phạm đã có một kỳ tuyển sinh nhẹ nhàng, thuận lợi, đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch. Một số trường có chất lượng và uy tín đã hoàn thành việc tuyển sinh ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên với điểm trúng tuyển ở ngưỡng khá cao so với điểm sàn.
Tuy nhiên, cũng còn một số trường, đặc biệt là cao đẳng, gặp khó khăn trong tuyển sinh do nhu cầu người học ít, khó tìm được việc làm sau khi ra trường. Hiện nay, các cơ sở này tích cực xét tuyển đợt thứ hai với những điều chỉnh điểm số phù hợp với yêu cầu và sức hút của từng ngành học.
Dù việc tuyển sinh không quá thuận lợi song các trường đều thể hiện rõ quan điểm không tuyển sinh bằng mọi giá để đảm bảo chất lượng đầu vào.
- Nhưng thực tế không ít đại học sư phạm lấy điểm chuẩn bằng mức sàn, cao đẳng chấp nhận học sinh đạt 3 điểm một môn. Bà nhìn nhận thế nào về việc này?
- Không phải tất cả trường sư phạm đều có điểm đầu vào thấp. Các trường ở thành phố lớn, được đầu tư, có chất lượng tốt như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP HCM, điểm trúng tuyển ở hầu hết ngành đều cao. Cụ thể, Đại học Sư phạm Hà Nội có 27/35 ngành lấy trên 20 điểm, riêng ngành sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có mức điểm trúng tuyển là 27,75. Đại học Sư phạm TP HCM điểm trúng tuyển các ngành đều từ 20 đến 26,25. Duy nhất ngành sư phạm Tin lấy 19,25 điểm.
Điểm sàn đại học năm nay là 15,5 thì không có đại học nào lấy thấp hơn. Một số trường sư phạm có nhiều ngành lấy từ điểm sàn thì các ngành khác mà xã hội đang có nhu cầu lấy điểm đầu vào vẫn cao hơn như: Sư phạm tiểu học, Sư phạm mầm non, Toán dạy bằng tiếng Anh; tiếng Anh, Giáo dục chính trị…
Hiện tượng lấy 9-10 điểm vào sư phạm xảy ra ở các trường cao đẳng. Tuy nhiên, từ thực tế của Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên cho thấy, dù lấy từ 9-10 điểm nhưng thí sinh đăng ký nhập học hầu như có điểm từ 12 trở lên. Mặt khác, trình độ cao đẳng đã được xếp vào khối giáo dục nghề nghiệp, không bị giới hạn điểm sàn, chủ yếu chú trọng vào năng khiếu, kỹ năng chăm sóc trẻ, có lòng yêu trẻ (Giáo dục Mầm non) hoặc dạy các kiến thức đơn giản (Giáo dục Tiểu học).
Tôi muốn cung cấp thông tin này để dư luận bớt lo lắng. Còn về phần mình, tất yếu ngành giáo dục sẽ có những giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng lấy điểm thấp này.
- Vậy, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo là gì?
- Vấn đề của sư phạm không nằm ở việc quy định điểm đầu vào thế nào mà giải quyết được nguyên nhân dẫn tới việc sư phạm giảm sức hút đối với người học. Khi đã có sức hút, không cần quy định, mức điểm chuẩn vẫn sẽ cao.
Việc cần làm ngay là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, Bộ Giáo dục đang thực hiện việc này để sớm trình Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, khoảng 8-10 trường có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm. Các trường sư phạm chất lượng trung bình sẽ có hướng chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của trường trung tâm, cùng sử dụng chương trình, quy trình, đội ngũ giảng viên và đạt chuẩn chất lượng đầu ra.
Bộ Giáo dục sẽ nghiên cứu và đề xuất chính sách tổng thể ưu đãi thí sinh, sinh viên giỏi; đề nghị các địa phương rà soát, công bố nhu cầu nhân lực, tiêu chuẩn tuyển dụng, dự báo nhu cầu sử dụng để làm cơ sở cho quá trình đào tạo.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu chính sách đãi ngộ đối với giáo viên về thu nhập, khen thưởng. Chỉ khi có chính sách hấp dẫn thì nguồn tuyển sinh mới tăng, trên cơ sở đó mới chọn được học sinh giỏi và nâng cao chất lượng đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng giáo viên.
Bên cạnh những giải pháp của ngành, các trường sư phạm cũng cần đẩy mạnh giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, cần phát triển chương trình đào tạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế; chú trọng tới kỹ năng thực hành; giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho giáo sinh, để các em luôn cảm thấy tự hào về nghề nghiệp mình đã chọn.
- Vì sao cả nước đang thừa hơn 26.000 giáo viên, các trường sư phạm vẫn được tuyển mới đến 52.000 chỉ tiêu?
- Việc thừa thiếu giáo viên chỉ là cục bộ chứ không phải tất cả tỉnh thành đều thừa. Do khoảng cách địa lý, điều kiện sống khác nhau giữa các vùng miền và nhu cầu ổn định của giáo viên nên không thể dễ dàng điều chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu. Mặt khác, tình trạng thừa cục bộ giáo viên trung học ở một số địa phương không thể kéo dài trong nhiều năm nên nếu không tiếp tục tuyển sinh đào tạo ở mức phù hợp sẽ lại dẫn tới những hệ luỵ khác.
Những năm gần đây, mỗi năm Bộ Giáo dục đã cắt giảm 10-20% chỉ tiêu cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở đào tạo sư phạm còn lớn, chỉ tiêu chung vẫn cao, vì thế về lâu dài vẫn cần quy hoạch mạng lưới hợp lý, có tầm nhìn để đưa ra chỉ tiêu hàng năm sát hơn với thực tế sử dụng.
Trước mắt, trong năm học tới Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm, đặc biệt là ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng.
- Khi Việt Nam chuẩn bị thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới, công việc chính của các trường sư phạm nên là đào tạo lại giáo viên, chỉ đào tạo mới một lượng nhỏ sinh viên. Quan điểm của Vụ trưởng thế nào về điều này?
- Theo quy định của Luật Giáo dục, trường sư phạm do Nhà nước thành lập để đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hàng năm, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên vẫn có nhu cầu tuyển dụng mới để thay thế cho những giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc phát sinh mới về vị trí việc làm và số lượng giáo viên đứng lớp khi chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi. Do đó, vẫn có nhu cầu đào tạo giáo viên mới.
Về việc đào tạo lại, hiện nay, các trường sư phạm đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Để tạo điều kiện cho các trường sư phạm làm tốt nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục đang triển khai đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" và dự án "Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông".
Việc đào tạo mới và đào tạo lại phải được thực hiện đồng thời. Vấn đề cần quan tâm là thực hiện đồng bộ các giải pháp để việc đào tạo mới và đào tạo lại làm sao đạt kết quả tốt nhất.
Theo Quỳnh Trang (VnExpress)