Có nhiệt huyết nhưng cần được tạo điều kiện
Bình Ðịnh hiện có 18 nghệ nhân ưu tú trên các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Theo Nghị định 62/2014 của Chính phủ, các nghệ nhân ưu tú ngoài việc được hưởng các quyền lợi, thì đi kèm với đó là nghĩa vụ phải tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng.
NNƯT Minh Liễu tham gia hội đánh bài chòi cổ ở huyện Tuy Phước.
Kết quả tìm hiểu sơ bộ của người viết cho thấy, chỉ có khoảng một nửa trong số các nghệ nhân ưu tú (NNƯT) tích cực thực hiện các nghĩa vụ theo Nghị định 62/2014 và chủ yếu tập trung ở nghệ thuật tuồng, võ cổ truyền. Số còn lại vì nhiều lý do - cả về khách quan lẫn chủ quan - chưa thực hiện được nghĩa vụ của mình.
1. NNƯT Đinh Chương (78 tuổi, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), bày tỏ: “Tôi trăn trở đã nhiều năm qua khi thấy bản sắc văn hóa Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh cứ mai một dần. Vì thế, tôi cùng nhiều nghệ nhân khác vẫn thường đến các làng, xã vận động bà con gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống; truyền kiến thức, dạy kỹ thuật liên quan cho những người cùng quan tâm. Tuy nhiên để mọi việc thành bài bản, có kế hoạch chu đáo, chúng tôi cần UBND huyện, xã và ngành VH-TT quan tâm định hướng, hỗ trợ và phối hợp…”.
Để phục vụ xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam” đề cử UNESCO công nhận là di sản thế giới, cách đây 2 năm, Viện Âm nhạc phối hợp với Sở VH-TT tổ chức điền dã, ghi tư liệu nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định. Khi được nghe nghệ nhân Minh Liễu (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) hát bài chòi cổ, GS.TS Đặng Hoành Loan, chủ trì đợt điền dã, nhận xét: “Tôi rất ấn tượng về vốn bài chòi cổ mà nghệ nhân Minh Liễu đang nắm giữ. Đặc biệt, chị có thể vào vai nhiều nhân vật rất độc đáo!”.
Thế nhưng sau khi được phong tặng, NNƯT Minh Liễu lại ít có cơ hội phát huy vốn di sản quý báu mà mình đang nắm giữ. “Được Nhà nước quan tâm phong tặng danh hiệu NNƯT, tôi thực sự muốn đền đáp qua việc đóng góp nhiều hơn cho hoạt động bảo tồn và phát huy bài chòi cổ. Tuy nhiên, hiện tôi chỉ mới tham gia một số hội đánh bài chòi cổ, hay truyền dạy bài chòi ở huyện Tuy Phước. Thỉnh thoảng được các hội, đoàn thể mời đến hát bài chòi cổ trong các hoạt động văn nghệ quần chúng!”, NNƯT Minh Liễu cho biết.
2. Phần lớn các NNƯT đều đã cao tuổi, không còn nhiều sức lao động để tự nuôi bản thân, cuộc sống khó khăn nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc “tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng”. Để góp phần, động viên họ thực hiện nghĩa vụ này, cần có thêm sự hỗ trợ thiết thực.
Được biết, căn cứ theo Nghị định 109/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, Sở VH-TT đang triển khai Dự án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nghệ nhân hát bội, bài chòi dân gian Bình Định.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT), cho biết: “Đa số các NNƯT trên địa bàn tỉnh đều thuộc diện khó khăn. Vì vậy, mục tiêu của Dự án là có sự hỗ trợ, hướng dẫn các nghệ nhân lập hồ sơ hưởng cơ chế đặc thù để được trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 109. Qua đó, tạo điều kiện cơ bản để các NNƯT tiếp tục truyền dạy, thực hành vốn di sản đang nắm giữ, phát huy vai trò lực lượng trung tâm cho quá trình khai thác, phát huy di sản”.
Cùng với hát bội, bài chòi, có lẽ cũng cần quan tâm đến các NNƯT thuộc các lĩnh vực khác. NNƯT, võ sư Phi Long Vịnh (82 tuổi, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), bày tỏ: “Nghe nói NNƯT có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp sẽ được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi cũng mong sắp tới sẽ được hưởng sự hỗ trợ này. Được vậy, tôi sẽ có thêm điều kiện để truyền dạy vốn liếng võ học đã tích lũy!”.
***
Có thể khẳng định, tất cả các NNƯT đều là những người có tâm huyết với di sản. Và điều quan trọng là các ngành chức năng, địa phương nên quan tâm nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của họ để có những hình thức vận động phù hợp, có cách phát huy trí tuệ, kiến thức, kỹ năng mà họ đã tích lũy được. “Hai năm qua, tôi chờ hoài mà chưa thấy ngành văn hóa ở tỉnh liên hệ để định hướng cho tôi, hỗ trợ tôi thực hiện nghĩa vụ. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ, không đòi hỏi gì đâu!”, NNƯT Minh Liễu tâm sự.
HOÀI THU