Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945: Những bài học không bao giờ cũ
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả của nhiều nhân tố đã được chuẩn bị bài bản và đến độ chín muồi. Trong đó, đặc biệt là vai trò lãnh đạo mang tính quyết định của Ðảng Cộng sản Việt Nam và sự tham gia của nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi.
Nhân dân vùng lên cướp chính quyền ở Bắc Bộ phủ, tháng 8.1945. Ảnh tư liệu
Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định thắng lợi
Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi rõ: “Điều cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng là cần phải có một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải trong đấu tranh mà trưởng thành”. Mùa thu năm 1945, Đảng ta mới 15 tuổi, nhưng đã lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân với cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Sự ra đời của Đảng chính là kết quả của sự chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những đồng chí của Người đã dày công xây dựng nên. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là thành quả đầu tiên của sự chuẩn bị đó, với sự hy sinh của bao lớp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để lật nhào ách thống trị hàng ngàn năm của chế độ phong kiến, hàng trăm năm của đế quốc, thực dân, thiết lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là nhờ Đảng ta đã thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, từ việc đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn đến vận động, tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng thành lực lượng cách mạng. Và khi có đầy đủ điều kiện, chớp được thời cơ đã phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo cả dân tộc “triệu người như một nhất tề vùng lên”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Chỉ có Đảng nào biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình thì mới đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi và sự nghiệp xây dựng CNXH đi đến thành công”.
Nhân dân Việt Nam - nhân tố đặc biệt quan trọng làm nên thắng lợi
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cuộc cách mạng trong một nước thuộc địa là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Để đưa cuộc cách mạng đó đến thắng lợi, có thể và cần phải thành lập mặt trận dân tộc rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội mong muốn được giải phóng khỏi ách thuộc địa”.
Đầu năm 1941, sau 30 năm tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương Tám, tại Hội nghị đã đi đến quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh - một hình thức của Mặt trận Dân tộc thống nhất và là nét đặc sắc, sáng tạo trong cách mạng Việt Nam.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gắn liền với sự phát triển của Mặt trận Việt Minh. Thành tích của Mặt trận Việt Minh là sự kế tục sự nghiệp cách mạng đã được chuẩn bị từ trước của Hội Phản đế đồng minh, Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Qua đó tập trung đông đảo lực lượng, các tổ chức, các giới, các giai cấp, tầng lớp dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, tiến hành đấu tranh cách mạng với nhiều hình thức, trên nhiều phương diện khác nhau. Vừa tiến hành đấu tranh chính trị vừa tăng cường đấu tranh vũ trang; một mặt chú ý tập hợp, đưa nhân dân vào các tổ chức chính trị, bên cạnh đó từng bước vũ trang cho nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Vì vậy, trong Cách mạng Tháng Tám, tuy chúng ta chưa có đội quân chủ lực hùng mạnh nhưng đã có lực lượng cách mạng to lớn, đông đảo, đó chính là quần chúng nhân dân Việt Nam.
Nhận định đúng đắn về thời cơ cách mạng và chủ động đón nhận thời cơ
Cách mạng Tháng Tám thành công, bên cạnh những nhân tố chủ quan còn có sự tác động của những nhân tố khách quan, trong đó đặc biệt là nhận định sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về diễn biến trong nước cũng như thế giới, từ đó có những quyết định đúng đắn khi thời cơ đến.
Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, 72 năm chiến đấu, xây dựng đất nước, bảo vệ chế độ, trong thời kỳ hiện nay, tinh thần đó, trí tuệ đó phải tiếp tục được phát huy.
Thứ nhất, không ngừng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức trên tinh thần các nghị quyết của Đảng, nhất là công tác xây dựng Đảng đã được đề cập trong văn kiện Đại hội XII và NQTW 4 (khóa XII) của Đảng, để từ đó không ngừng xây dựng và chỉnh đốn Đảng, giúp Đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đối với nhà nước và xã hội. Đây là vấn đề quan trọng nhất, là vấn đề then chốt.
Thứ hai, phải quán triệt và thực hiện những bài học mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã rút ra, nhất là bài học “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Ðảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”. Đây là chân lý, là lẽ tồn tại của một đảng cách mạng.
Thứ ba, luôn chủ động, đón nhận thời cơ và sẵn sàng đối mặt với các thách thức. Đây là vấn đề thuộc về nhận thức và phương thức hành động của một đảng cách mạng.
NGUYỄN TÙNG LÂM (Trường Chính trị tỉnh Bình Định)