Tây Sơn: Phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch
Những năm qua, việc gìn giữ và phát triển các ngành nghề truyền thống được huyện Tây Sơn xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn. Trong đó, việc liên kết với các điểm du lịch trên địa bàn để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thủ công, mỹ nghệ được huyện xác định là hướng đi phù hợp để phát triển các ngành nghề này.
Tráng bánh tráng là nghề truyền thống lâu đời ở huyện Tây Sơn.
Giữ lửa nghề truyền thống
Theo quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, huyện Tây Sơn có 4 làng nghề: nón lá Thuận Hạnh (xã Bình Thuận), bánh tráng Kiên Long (xã Bình Thành), bánh tráng Thuận Truyền (xã Bình Thuận), dệt thổ cẩm Vĩnh An (xã Vĩnh An). Trong đó, làng nghề nón lá Thuận Hạnh được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống năm 2009 và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Năm 2017, sản phẩm rượu đậu xanh cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, do UBND huyện chủ sở hữu.
Qua thống kê của huyện Tây Sơn, làng nghề nón lá Thuận Hạnh có gần 350 hội viên, sản lượng bình quân 525 nón/ngày; bánh tráng Kiên Long và bánh tráng Thuận Truyền có khoảng 75 hộ sản xuất, sản lượng 1 ngày khoảng 2.000 bánh; còn dệt thổ cẩm thì hầu hết phụ nữ Bana ở Vĩnh An đều biết dệt, phục vụ gia đình trong các dịp lễ, tết là chính.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết: Nghề nấu rượu và tráng bánh thì hầu như thôn nào trong xã cũng có. Xã thực hiện chủ trương hỗ trợ các gia đình phát triển nghề truyền thống bằng việc tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển ngành nghề; hàng năm mở các lớp khuyến công, dạy nghề cho người dân. Đặc biệt, 90% số dân thôn Phú Thọ nhờ làm bánh tráng và nấu rượu mà có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề nấu rượu, bà Đặng Sĩ Quế, 64 tuổi, ở xóm 5, thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, cho biết, từ nấu rượu gạo, cách đây 8 năm bà chuyển sang nấu rượu đậu xanh. Lúc trước hầu như chỉ có ở Tây Sơn mới có rượu đậu xanh, nay thì một số vùng cũng đã có rượu này. Nhờ có mạch nước ngầm được tạo hóa ưu đãi nên rượu ở đây có mùi đặc trưng không nơi nào có. “Công việc nấu rượu hàng ngày mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nhất là những hộ kết hợp nấu rượu và nuôi heo”, bà Quế nói.
Cùng với đó, việc duy trì và phát triển nghề làm nón lá ở xã Bình Thuận đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm gia đình trong xã, đặc biệt là ở hai thôn Thuận Hạnh và Thuận Hiệp. Ông Võ Văn Thiện, Chủ tịch Hội làng nghề nón lá Thuận Hạnh, nói: “Nghề này rất hợp với phụ nữ bởi cần sự khéo léo, tỉ mỉ, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn, lại không cần nhiều vốn như các nghề khác. Trung bình, một lao động có thể kiếm được hơn 100 ngàn đồng/ngày từ nghề này”.
Gắn với phát triển du lịch
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết: “Với nhãn hiệu tập thể, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã... sản phẩm sẽ được thực hiện nghiêm ngặt, các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, việc hỗ trợ để quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề vẫn mang tính tự phát, chưa có một tổ chức hay tập thể nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con. Bà con rất mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ để nâng tầm sản phẩm nón lá Thuận Hạnh”.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, thông tin: “Chúng tôi vẫn đang khuyến khích bà con sản xuất rượu đậu xanh theo cách thức truyền thống để giữ được chất lượng, uy tín của rượu. Ngoài ra, xã cũng đang quy hoạch khoảng 20 ha đất tại khu vực Vườn Giông (thuộc 2 thôn Phú Mỹ và Phú Lâm) để bà con trồng đậu xanh lấy nguyên liệu sản xuất rượu. Đồng thời, sau khi tuyến đường mới Phú Phong - Hầm Hô hoàn thành, xã cũng sẽ quy hoạch các khu sản xuất bánh tráng tập trung để người dân tiếp tục phát triển nghề truyền thống này”.
Theo ông Nguyễn Kế Lộc, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Tây Sơn, việc liên kết với các điểm du lịch như Bảo tàng Quang Trung, Tháp Dương Long, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô… để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm từ các làng nghề truyền thống là hướng đi được huyện xác định để phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới. “Công trình nhà trưng bày sản phẩm nón lá Thuận Hạnh với tổng diện tích trên 1.000m2 đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc trình diễn các công đoạn cho khách tham quan tại khu trưng bày này và các điểm du lịch trong huyện. Còn đối với rượu đậu xanh, huyện đang tiếp tục làm các thủ tục pháp lý để chứng nhận hợp quy đưa sản phẩm ra thị trường. Trong đó, sẽ liên kết với các doanh nghiệp có tiềm năng để phát triển sản phẩm, thiết kế vỏ chai, bao bì; tổ chức tập huấn cho các hộ nấu rượu về quy chế, quy trình sử dụng nhãn hiệu, hỗ trợ công nghệ xử lý andehit trong rượu”, ông Lộc nói.
HỒNG PHÚC