Diệt lăng quăng!
Hiện nay, cả nước đã có tới trên 90.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), gần tới mức tương đương với năm 2016, trong khi mùa dịch SXH ở nước ta vẫn còn kéo dài. Trong đó, hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai “điểm nóng” bùng phát dịch. Đến thời điểm này, tại Hà Nội số ca mắc đã lên đến gần 20.000, tại TP Hồ Chí Minh là trên 12.000 ca mắc; tổng cộng đã có 25 người chết vì SXH trong cả nước. Đặc biệt, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại đưa ra cảnh báo một chủng vi-rút SXH mới xuất hiện đang hoành hành ở châu Á, độc lực của nó cao hơn khả năng chống chọi của hệ miễn dịch của người…
Theo xác định của Bộ Y tế, tình hình dịch SXH đang bùng phát, lan rộng và gây thiệt hại lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không phải là do thiếu kinh phí, phương tiện chống dịch mà là do người dân thiếu hợp tác, còn cơ quan chức năng không giám sát chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch. Cụ thể là người dân không hợp tác chống dịch bằng việc dọn vệ sinh, diệt lăng quăng, diệt muỗi; không cho cán bộ y tế vào kiểm tra lăng quăng, tư vấn phòng chống SXH; hay một số gia đình đã có người mắc SXH nhưng lại không cho cơ quan y tế đến xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi vì sợ bị… nhiễm độc...
Với con số 25 người đã chết vì SXH có lẽ đã đủ để cảnh tỉnh những ai lơ là với các biện pháp phòng chống SXH, cũng tức là coi thường tính mạng của mình và của người thân, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc nếu dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống.
Hiện nay, địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận cũng đã bước vào giai đoạn chuyển mùa với những ngày mưa nắng thất thường. Đây là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản và phát triển mạnh, nhất là ở những nơi tù đọng nước sau mưa, cũng là điều kiện thuận lợi để nguy cơ SXH đe dọa cộng đồng. Trước bài học của các nơi đã bùng phát dịch, công tác phòng chống dịch, nhất là việc triệt tiêu các nguồn phát sinh muỗi tại các nơi nước tù đọng để lăng quăng có điều kiện sinh sôi, phải được hết sức chú trọng.
Đặc biệt, năm nay SXH hoành hành dữ dội hơn nhiều các năm trước càng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu rằng biện pháp chống dịch dễ làm mà hiệu quả nhất chính là việc mọi nhà, mọi người cùng thực hiện để bảo đảm môi trường không có muỗi. Để công tác dập dịch SXH có hiệu quả cao nhất, chúng ta cần nỗ lực thay đổi hành vi. Theo đó, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng dân cư đều phải tham gia phòng ngừa, ngăn chặn dịch bằng cách tích cực tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng là các nguồn phát sinh SXH để bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng.
Hãy nhớ: không có muỗi, không có lăng quăng thì sẽ không có SXH!
H.Ð