Tăng cường công tác thông tin, giám sát tàu cá trên biển
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, thông tin liên lạc và giám sát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, đồng thời hướng dẫn ngư dân các biện pháp ứng phó với thiên tai, rủi ro.
Nhiều tàu cá bị nạn trên biển
Theo Chi cục Thủy sản, tỉnh ta có đội tàu cá khá lớn với 6.469 chiếc, trong đó có gần 3.700 tàu công suất từ 90CV trở lên thường xuyên khai thác thủy sản (KTTS) xa bờ. Phần lớn các tàu cá KTTS ở những vùng biển khơi đều được trang bị các thiết bị, máy móc hiện đại. Tuy nhiên, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi năm có rất nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển, đôi khi không theo quy luật, khiến tàu cá và ngư dân gặp rất nhiều rủi ro. Thực tế, có nhiều sự cố đã xảy ra trên biển gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân.
Nhân viên Trạm bờ Quy Nhơn kết nối liên lạc với các tàu cá đang khai thác thủy sản ở những vùng biển xa.
Sự cố xảy ra với tàu cá BĐ 95613-TS, công suất 330 CV, do ông Trần Quốc Toàn, ở xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng là một ví dụ. Khoảng 7 giờ ngày 29.7, tàu này đang hoạt động tại vùng biển cách Đông đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa, khoảng 115 hải lý thì bị phá nước, tàu chìm. Mặc dù lực lượng Hải quân và các tàu cá cùng tổ đội đã nỗ lực tìm kiếm, nhưng vẫn không tìm thấy 5 thuyền viên tàu bị nạn.
Gần đây nhất, ngày 11.8, tàu cá BĐ 95948 TS công suất 720 CV của ông Trương Xuôi, ở xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), do ông Trương Đình Hiền làm thuyền trưởng, trên tàu có 7 thuyền viên đang di chuyển tại vùng biển thuộc Quy Nhơn thì bị một tàu hàng ở Hải Phòng chạy hướng Bắc - Nam đâm chìm. Rất may 8 thuyền viên tàu cá bị nạn đã được một tàu cá của ngư dân TP Quy Nhơn kịp thời cứu vớt, đưa vào bờ an toàn.
Một tàu cá của ngư dân Bình Định được tàu SAR cứu nạn, lai dắt vào bờ.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, có 34 tàu cá/240 ngư dân trong tỉnh bị tai nạn trên biển (giảm 1 tàu so với cùng kỳ). Ông Đào Nhật Thủy, nhân viên Trạm bờ Quy Nhơn, cho biết: Ngoài yếu tố khách quan về thời tiết, nhiều ngư dân còn chủ quan, bất cẩn trong sinh hoạt trên tàu và trong quá trình KTTS. Theo quy định, máy HF trên tàu cá phải hoạt động 24/24 giờ, nhưng ngư dân thường hay tắt máy hoặc sử dụng tần số liên lạc riêng, nên Trạm bờ không thể biết được vị trí hoạt động của tàu cá. Chỉ khi cần liên lạc về Trạm bờ để được xác nhận tàu đang hoạt động ở vùng biển xa để được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 48/2010 của Chính phủ, ngư dân mới mở máy và Trạm bờ mới biết được vị trí của tàu. Cũng có trường hợp, hệ thống thông tin liên lạc (TTLL) trên tàu bị hỏng, không hoạt động được, hoặc ngư dân tìm cách thoát khỏi tàu cá khi tàu không còn an toàn, không thể liên lạc được với đất liền.
Tăng cường công tác thông tin, giám sát tàu cá
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần QĐ 48/CP và NĐ 67/CP; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, giám sát hoạt động đăng ký đăng kiểm của ngư dân. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã khai đổi số đăng ký tàu cá kết hợp với kiểm tra gia hạn hoạt động hàng năm cho trên 6.400 tàu cá, đạt 99,36% tổng số tàu cá đăng ký toàn tỉnh; kiểm tra an toàn kỹ thuật và hoàn tất thủ tục đăng ký, đăng kiểm cho 1.581 tàu.
Chi cục cũng phối hợp với CA tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, không cho tàu cá ngư dân ra khơi khi chưa đảm bảo an toàn đường thủy. Tiếp tục cung cấp tần số liên lạc, phân tần số TTLL riêng cho tàu thuyền của từng xã nhằm chống nghẽn mạng, đảm bảo TTLL thông suốt trong mùa mưa bão. Phổ biến và hướng dẫn ngư dân thực hiện quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Chi cục cũng đã tăng cường cán bộ túc trực tại 2 trạm bờ ở TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn để giám sát tàu cá và TTLL với ngư dân; yêu cầu ngư dân KTTS ở vùng biển xa thường xuyên mở máy HF và thông tin về vị trí hoạt động của tàu cho các trạm bờ biết.
Nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập thêm nhiều tổ đội đoàn kết khai thác trên biển, phối hợp với các ngành chức năng phổ biến quy định về cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân để kịp thời xử lý khi gặp rủi ro trên biển. Củng cố tổ chức, hoạt động của lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản.
Ngoài ra, ngư dân cũng cần phải chú trọng đến việc tu sửa, nâng cấp hệ thống TTLL trên tàu; chủ động thành lập các tổ đội đoàn kết KTTS trên biển, thường xuyên mở máy và giữ liên lạc với ngành chức năng, các trạm bờ và các thành viên trong tổ đội, nhằm nâng cao hiệu quả KTTS và hỗ trợ lẫn nhau, hạn chế rủi ro. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với thiên tai, mưa bão, không chủ quan khi ra khơi khai thác, nhất là trong mùa mưa bão. Trường hợp xảy ra sự cố trên biển, ngư dân liên lạc số điện thoại 02563.891.112; hệ thống TTLL tàu cá tần số 7903KHz, hô hiệu “Bình Định cứu nạn” để được hỗ trợ.
PHẠM TIẾN SỸ