Củng cố hồ sơ, xử lý hành vi phá rừng khoanh nuôi tái sinh trái pháp luật
(BĐ) - Ngày 19.8, ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho biết: Hạt đã có báo cáo gởi đề nghị UBND huyện Tây Sơn xem xét, xác lập hồ sơ xử lý hành vi phá rừng khoanh nuôi tái sinh trái pháp luật đối với ông Nguyễn Cao Thạch (ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) và ông Phan Văn Hiến (ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn).
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, 2 hộ trên được giao đất rừng để trồng rừng bổ sung theo Dự án Kfw6 (còn được gọi là dự án “khôi phục và quản lý rừng bền vững”, có vốn đầu tư quy mô lớn, được Chính phủ Đức tài trợ thông qua Ngân hàng tái thiết Đức) vào năm 2007 và đã được UBND huyện Tây Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định số 409/QĐ-UBND ngày 11.6.2008 của UBND huyện Tây Sơn. Trong đó, hộ ông Thạch được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 9.8.2008 với diện tích 18.100 m2, ở lô 86, địa chỉ thửa đất ở Lỗ Giang, xã Tây Phú. Ông Hiến được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 9.8.2008, với diện tích 17.600m2, lô số 79, địa chỉ thửa đất cũng ở Lỗ Giang, xã Tây Phú. Thế nhưng, vào cuối năm 2016, ông Thạch và ông Hiến đã tự ý phát dọn thực bì để trồng cây khác trên tổng diện tích hơn 6.900m2 . Trong đó, ông Thạch đã phát gần 4.500m2, ông Hiến phát 2.420m2. Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, tất cả diện tích bị chặt phát đều nằm trong diện tích mà ông Thạch và ông Hiến tham gia Dự án Kfw6.
Đáng chú ý, qua làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn cả ông Thạch và ông Hiến đều lấy lý do vì thời tiết nắng nóng nên cây sao đen bị chết dần, nên mới phát dọn để trồng cây (!). Tuy nhiên, việc tự ý phát trắng diện tích tham gia Dự án Kfw6 để trồng cây khác theo khẳng định của ông Nguyễn Ơn cùng UBND huyện Tây Sơn là sai với mục đích và quy trình của Dự án, nên cần phải xem xét xử lý.
TRỌNG LỢI