Cây mai gầy
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Mãn Giác thiền sư)
Đêm qua, tàn hạ chớm thu, cây mai còi cọc trước nhà lại bung một nụ. Sáng sớm vừa hé cửa tôi thấy đầu cành rung nhẹ. Dường như có một giọt sương vừa vít ngọn lá xuống, đủ để khoe với tôi những cánh vàng.
Cây mai ấy khẳng khiu và lặng lẽ, chưa bao giờ rối rít ồn ào như lũ me, sung bên kia đường. Mỗi lần tưới nước cho nó, tôi lại phát hiện nó hao hao một nhánh.
Người sành mai bảo tôi thay cây khác, vì nó dáng thế không đẹp, mà cỗi lắm rồi, dễ đã hơn bảy mươi tuổi, khả năng phát rễ phát cành không bằng đám trẻ. Có thế thật, ngày chồng tôi và một người bạn về vườn nhà ngoại ở Hưng Trị bứng nó xuống đây, cũng hai mươi năm rồi. Cậu tôi bảo từ hồi cậu còn nhỏ đã có nó. Vậy là tính về niên kỷ, tôi cũng phải gọi nó là cậu hay dì mới phải.
Tôi vịn vào chỗ da cây khô nẻ sắp boong, cảm nhận một luyến lưu thầm lặng. Bao nhiêu đời lá đời hoa đã nối nhau qua? Bao nhiêu dâu bể của một xứ sở? Bao nhiêu nỗi niềm một đời người? Có thể cây không hiểu hết, mà cũng có thể cây nhận biết qua từng sắc độ nắng gió bão bùng, qua từng cung bậc hơi thở, từng âm thanh xa gần hư thực. Một tiếng chim lợn tét trong đêm, một tiếng sơn ca mừng nắng mới, tiếng trò chuyện râm ran của đám học trò tiểu học sớm sớm trưa trưa mở hội giao ban trước hè nhà tôi... Tất cả đã tan hòa thành bầu khí quyển riêng của cây mai gầy, và nó cứ đứng vậy, nghiêng nghiêng cảm nhận, thẩm thấu và thanh lọc.
Tôi tin cây có linh hồn. Bao nhiêu lần mỗi khi nhà có chuyện vui, là y như rằng mở cửa ra tôi gặp một nụ cười, như đón đợi nhau chỉ để cười, không nói. Không rực rỡ, không khua động, chỉ là một rưng rưng xòe nở, đủ để thắm tươi, đủ để ngân lên một sẻ chia thầm lặng.
Vậy là đủ rồi, phải không mai?
Tản văn của TRẦN THỊ HUYỀN TRANG