Sử dụng hình ảnh trẻ em tại các cơ sở mầm non: Cần quản lý chặt chẽ
Ngày 1.6.2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực, đề cao tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có việc tất cả các hình ảnh cá nhân của trẻ em sử dụng vì bất kể mục đích nào đều phải xin ý kiến của cha mẹ và trẻ em (đối với trẻ trên 7 tuổi). Thế nhưng hiện nay nhiều cơ sở mầm non vẫn vô tư sử dụng hình ảnh của trẻ em để quảng bá cơ sở mình, điều này là vi phạm luật.
Hình ảnh trẻ em được đăng tải công khai trên mạng xã hội để quảng cáo một cơ sở mầm non trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5.4.2016, Luật Trẻ em gồm 7 chương, 106 điều (tăng 46 điều). Được đổi tên từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Trẻ em phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật. Luật có nhiều điểm đổi mới tích cực, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Đáng chú ý, một trong những quyền được quy định trong Luật Trẻ em là quyền bí mật đời sống riêng tư. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư (quy định cụ thể trong Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em).
Từ khi Luật Trẻ em có hiệu lực thì các bậc cha mẹ cũng đã cân nhắc hơn khi đăng tải hình ảnh của con em mình lên mạng xã hội, bởi điều này có nguy cơ tạo ra nhiều mối nguy hiểm. Chị Hồ Thị Kim Th. (ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Trước đây, tôi có đưa một số hình ảnh riêng tư của con gái lên Facebook để chia sẻ niềm vui với bạn bè và lưu lại làm kỷ niệm. Nhưng khi đọc kỹ Luật Trẻ em thì thấy việc làm này là vi phạm, có thể đẩy con vào nguy hiểm nên tôi đã gỡ bỏ ngay”.
Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều cơ sở mầm non trên địa bàn TP Quy Nhơn vẫn vô tư dùng hình ảnh, các đoạn clip của các trẻ em đang vui chơi, ăn uống, sinh hoạt… để đăng tải trên mạng xã hội, với mục đích quảng bá về chất lượng của cơ sở. Thậm chí, khi các cơ sở mầm non đăng tải hình ảnh các trẻ thì lại công khai cả tài khoản cá nhân của cha mẹ hoặc người thân của trẻ.
Một hiệu trưởng cơ sở mầm non trên địa bàn TP Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi cũng đã biết về Luật Trẻ em 2016 và hoàn toàn thống nhất trong việc bảo vệ quyền lợi, thông tin riêng tư của trẻ. Nhưng đa số hình ảnh của cơ sở đưa lên mạng xã hội đều là hình ảnh tham quan, văn nghệ, vui chơi... mà chính do phụ huynh yêu cầu. Vì đa số phụ huynh muốn theo dõi sự phát triển của các trẻ qua các hoạt động tại cơ sở. Gần đây, nhà trường cũng hạn chế việc đưa hình ảnh của các trẻ công khai, đồng thời cũng có biện pháp quản lý chặt chẽ để bảo vệ an toàn cho trẻ đang được nuôi dạy tại cơ sở”.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, việc đăng tải hình ảnh, công khai thông tin của trẻ em lên mạng xã hội của các cơ sở mầm non không chỉ vi phạm luật mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ. Bởi, nguy cơ trẻ bị lợi dụng, xâm hại, bắt cóc; thậm chí, đối tượng xấu có thể sử dụng hình ảnh các trẻ vào cả những vấn đề khác. Do vậy, khi phát hiện trường hợp cơ sở mầm non đăng tải hình ảnh của trẻ công khai trên trang mạng xã hội, phụ huynh yêu cầu các cơ sở tháo gỡ hình ảnh, clip đã đăng tải; đồng thời yêu cầu cơ quan chính quyền xử lý hành chính theo pháp luật đối với cơ sở vi phạm, nhằm chấn chỉnh tình trạng này.
Cũng theo các chuyên gia pháp lý, Luật Trẻ em 2016 đã có quy định việc cấm sử dụng, đăng tải, công khai hình ảnh và thông tin riêng tư của trẻ em lên mạng xã hội; nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định chi tiết về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan.
KIM CHI