Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động
Chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa cao; hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa “trúng” đối tượng; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn lỏng lẻo... Rất nhiều vấn đề cần được khẩn trương khắc phục để đảm bảo hiệu quả của công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Hoạt động PBGDPL phải đảm bảo tính gần gũi, sinh động, phù hợp với đối tượng tiếp nhận.
- Trong ảnh: Hội thi Tìm hiểu pháp luật năm 2017 ở TX An Nhơn sử dụng ưu thế của hình thức sân khấu hóa.
Đó là nội dung được các thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tập trung phân tích, thảo luận tại cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 được tổ chức chiều 15.8.
Hướng đến nhiều đối tượng
Trong 6 tháng đầu năm nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và cấp huyện, UBND cấp xã đã tổ chức 1.214 hội nghị tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật cho 154.554 lượt người tham dự. Đồng thời, biên soạn, phát hành 101.825 tài liệu tuyên truyền pháp luật; viết, đăng tải 4.978 tin, bài tuyên truyền, PBGDPL trên báo, đài phát thanh - truyền hình, hệ thống loa truyền thanh, các bản tin, tạp chí, tờ thông tin nội bộ. Bên cạnh đó, còn tổ chức 57 phiên tòa lưu động với hơn 9.300 người tham gia; tổ chức 895 cuộc giáo dục pháp luật trong nhà trường với 172.247 lượt cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên tham gia.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn, mô hình CLB pháp luật tiếp tục được củng cố và duy trì sinh hoạt. Toàn tỉnh có 455 CLB, trong đó có 69 CLB Trợ giúp pháp lý, 59 CLB Phụ nữ với pháp luật, 35 CLB Nông dân với pháp luật, 86 CLB Tuổi trẻ với pháp luật... Các tổ hòa giải ở cơ sở cũng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong hòa giải các vụ mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ xảy ra ở địa bàn dân cư. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã được rà soát, kiện toàn, bổ sung thành viên và đến nay toàn tỉnh có 1.128 tổ hòa giải với 8.333 hòa giải viên ở cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 966 vụ việc, hòa giải thành công 735 vụ, số vụ còn lại đang trong quá trình tìm hiểu, xác minh để tiếp tục tổ chức hòa giải.
Đáng chú ý, công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù cũng được chú trọng. Công an tỉnh đã phối hợp mở 95 lớp giáo dục pháp luật cho 1.952 đối tượng vi phạm và có nguy cơ vi phạm pháp luật, đồng thời ký cam kết không tái phạm. 2 đợt tuyên truyền cá biệt được tổ chức dành cho 82 phạm nhân trong các dịp đặc xá, giảm án và chấp hành án phạt tù nhằm trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa giao thông, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông khi họ tái hòa nhập cộng đồng…
Phải sâu, phải tinh
Hiện tại, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có 147 người, báo cáo viên cấp huyện có 313 người, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã có 1.933 người. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Trần Châu, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tuy “đông” nhưng chưa “tinh”, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động PBGDPL.
“Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người tuyên truyền phải có hiểu biết xã hội, nắm chắc tình hình thực tế ở địa phương, đặc điểm của đối tượng tiếp nhận. Cán bộ tuyên truyền của ta có người vừa ra trường, mới 23-24 tuổi thì nói ai nghe? Có khi người nghe còn thuộc luật hơn cả người nói. Phải tập trung đào tạo, lựa chọn cán bộ có chất lượng; đội ngũ tuyên truyền, báo cáo viên phải thật sự mạnh, đặc biệt là ở tuyến cơ sở”, ông Trần Châu nhấn mạnh.
Người đứng đầu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh cũng đặt ra yêu cầu tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, hội đoàn thể liên quan, chấm dứt tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Muốn vậy, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực phải tham mưu cho Hội đồng quy định nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên để có cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động, quy trách nhiệm. Đồng thời, hoạt động PBGDPL phải chuyên sâu hơn nữa, tập trung vào các bộ luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân như Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống hàng giả hàng nhái...
Bên cạnh đó, đổi mới hình thức PBGDPL cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra. Yêu cầu quan trọng là đảm bảo tính gần gũi, sinh động, phù hợp với đối tượng tiếp nhận, “thoát ly” văn bản. Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Võ Hồng Nam, khi tham gia PBGDPL, các thành viên Đoàn Luật sư tỉnh luôn sử dụng kinh nghiệm từ thực tế để minh họa cho các quy định của từng bộ luật, kiến thức được thu nhận dễ dàng hơn. Chẳng hạn, khi nói về Luật Hình sự, dẫn chứng chuyện có thật là một nhóm học sinh ở Quy Nhơn cho rằng mình chỉ “xin đểu”, nhưng sau điều tra lại đủ điều kiện cấu thành tội “cướp giật tài sản hoàn thành”, phải ngồi tù. “Ví dụ từ thực tiễn sẽ tác động mạnh đến ý thức tuân thủ pháp luật của đối tượng tiếp nhận”, luật sư Nam chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG