Người đánh thức tiềm năng du lịch Phù Mỹ
Huyện Phù Mỹ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch (DL), đặc biệt là loại hình DL sinh thái cộng đồng; song DL Phù Mỹ bao năm nay bị “ngủ quên”, cho đến khi có một người con luôn đau đáu với quê hương, quyết tâm đánh thức tiềm năng DL của quê mình.
Quyết tâm khai phá con đường mới
Đó là Nguyễn Ngọc Thạch, quê thị trấn Bình Dương - huyện Phù Mỹ. Sinh năm 1987, tốt nghiệp đại học ngành quản trị DL, anh xin về công tác ở Sở VH-TT&DL, sau này là Sở DL. Gần 5 năm lăn lộn với thực tế phát triển DL của tỉnh, học thêm được nhiều điều về nghề DL, Thạch càng yêu thích ngành “công nghiệp không khói” này.
Công ty DL Bình Long đón khách tham quan Phù Mỹ.
Phấn khởi với sự bứt phá mạnh mẽ của DL Bình Định, song Thạch cũng luôn trăn trở tìm một hướng đi mới cho riêng mình, cũng như mong muốn góp thêm sự đa dạng về tour tuyến, sự phong phú về sản phẩm cho ngành DL tỉnh nhà. Anh nhận thấy, DL Bình Định đang khai thác 2 tuyến chính, là tuyến DL văn hóa-lịch sử ở Tây Sơn và tuyến DL biển đảo Quy Nhơn; một số tuyến DL còn lại như tâm linh, võ, làng nghề… rất kén đối tượng khách tham gia. “Do đó tôi muốn phát triển loại hình DL sinh thái cộng đồng để du khách khi đến Bình Định có thêm sự lựa chọn, giúp giữ chân du khách lâu hơn” - Thạch thổ lộ.
Thêm một yếu tố nữa, Quy Nhơn bây giờ bùng nổ gần 50 doanh nghiệp lữ hành, với những tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ giống nhau, phải cạnh tranh quyết liệt, nên Thạch càng quyết tâm chọn một cái “ngách” (thị trường ngách) riêng cho mình, đó là nỗ lực khai phá, phát triển DL trên đất Phù Mỹ quê mình. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của tỉnh về việc phát triển DL các huyện phía Bắc, nhằm đa dạng hóa sản phẩm DL Bình Định.
Thạch chia sẻ: “Phù Mỹ không chỉ có núi non hùng vĩ, mà còn có cánh đồng rộng lớn, phì nhiêu, sản vật địa phương khá phong phú, độc đáo. Nào là biển, đầm, làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, tâm linh… Phù Mỹ chứa đựng trong lòng cái đặc trưng của cuộc sống làng quê Bình Định. Do đó, tôi muốn quảng bá để du khách trong nước có thể biết đến DL Phù Mỹ, qua đó giúp DL địa phương phát triển”.
Chính vì lẽ đó, Thạch đã quyết định rời bỏ công việc nhà nước và đặt quyết tâm thực hiện mong ước của mình, đưa quê hương Phù Mỹ đến gần với khách DL hơn. Anh cũng biết rằng, làm được điều đó là cả một quá trình gian nan. Song ở cái tuổi 30 tràn đầy tâm huyết, nhiệt tình, với sự nhìn nhận bằng con mắt “nhà nghề” cộng với một chút táo bạo của tuổi trẻ; thêm điều kiện là DL Bình Định đang phát triển mạnh mẽ, sẽ rất thuận lợi để “nối tour” Phù Mỹ.
Phát triển DL sinh thái cộng đồng
Đầu năm 2017, về Phù Mỹ, công việc đầu tiên của Thạch là đi khảo sát hết các điểm DL còn hoang sơ trong huyện mà anh nhận định là sẽ kết nối thành một chương trình tour để du khách có thể khám phá, trải nghiệm. Tiếp đến là nắm bắt được cung đường đi để thuận tiện đưa khách về tham quan. Anh cũng làm việc với các hộ dân ở một số làng quê có thể xây dựng thành điểm DL, giải thích các thắc mắc cũng như đưa ra những quyền lợi của bà con khi cùng anh làm DL. Anh chịu khó hướng dẫn từng bước một để họ hiểu, nắm được cách làm và phục vụ DL. Rồi anh bắt đầu lên chương trình tham quan cho du khách. Đây là chương trình DL sinh thái cộng đồng nên không kén đối tượng, khách có thể là người trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh khác.
Nguyễn Ngọc Thạch (đầu tiên bên trái) đưa khách tham quan làng bí đao khổng lồ Chánh Trạch.
Phương pháp chủ đạo là qua các chương trình cụ thể tạo động lực để phấn đấu và rút kinh nghiệm, cải thiện dịch vụ, sản phẩm. Đơn cử như khi anh về làng bí đao khổng lồ Chánh Trạch tìm hiểu và đặt vấn đề kết hợp làm DL, hướng dẫn bà con chế biến trà bí đao, mứt bí đao để bán cho du khách. Khi đưa khách DL đến tham quan, anh trả thù lao cho chủ vườn bí đao, giống như phí tham quan tại các điểm DL. Ban đầu, bà con ở đây chưa tin, vì hồi giờ có ai làm như vậy đâu. Rồi qua một số lần Thạch đưa khách đến, người dân nơi đây rất phấn khởi với hướng đi mới này, nhất là trong điều kiện đầu ra của giống bí đao khổng lồ ngày càng khó khăn, nông dân nhiều lần muốn bỏ loại cây trồng này nhưng không đành đặng. Riêng khách DL khi tham gia tour cũng thích sản vật này, vừa được tham quan, chụp hình, uống trà bí đao nguyên chất, thưởng thức súp bí đao hầm xương heo, vừa được nghe kể chuyện về nguồn gốc giống bí đao đặc biệt...
Nguyễn Ngọc Thạch đã thành lập Công ty TNHH TM-XD và dịch vụ DL Bình Long, đặt trụ sở chính tại huyện Phù Mỹ. Công ty DL Bình Long đang tập trung phát triển DL cộng đồng, xoay quanh các điểm đến chính là biển đảo và đầm phá. Về Phù Mỹ, du khách có thể tham quan, tắm biển, lặn ngắm san hô tại các đảo thuộc khu vực mũi Vi Rồng (xã Mỹ Thọ - Phù Mỹ). Với làn nước trong xanh, cát trắng cùng những rạn san hô dày đặc, nhiều tầng, nhiều màu sắc rực rỡ và các loại cá nhởn nhơ bơi lội, hoàn toàn hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tìm hiểu đời sống và tập quán sinh sản của chim nhàn - một loài chim biển rất thân thuộc với người dân nơi đây.
Du khách tham quan đầm Trà Ổ.
Về đầm Trà Ổ, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành cùng những cơn gió nhẹ từ đầm thổi vào mang theo hương lúa thơm nồng. Du khách sẽ có một ngày làm nông dân, cảm nhận được cuộc sống làng quê, được chèo ghe, thả lưới bắt cá, tôm, rạm trên đầm, tự hái rau, câu cá để trang bị cho bữa ăn của mình...
Thạch tâm sự rằng những việc anh đang làm chỉ là bước đầu, là một phần những gì anh ấp ủ, và điều đáng mừng là chương trình DL sinh thái cộng đồng trên đất Phù Mỹ của anh đã bắt đầu thu hút du khách. Anh hy vọng với những nỗ lực của mình sẽ giúp DL Phù Mỹ từng bước khởi sắc, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức và đời sống của người dân địa phương. Và ngành DL Bình Định cũng có thêm một tuyến DL mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm DL của tỉnh.
NGUYÊN VŨ
Do huyện còn sơ khai, cần phải có điểm tham quan cố định, rõ ràng và phải có điểm nhấn khi nhắc đến.