Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Gia đình cẩn trọng, cộng đồng quan tâm
Ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày có gần 20 gia đình phải gánh chịu những đau thương, mất mát vì sự ra đi của trẻ em do tai nạn thương tích (TNTT). Tại Bình Ðịnh, năm 2016 có trên 1.300 trẻ em bị TNTT, trong số đó có 41 trẻ em tử vong. Phòng chống TNTT ở trẻ em luôn là vấn đề nhức nhối, cần sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội.
Vết thương khó lành
Hai tháng trước, chiều 19.6, ông Đồng Văn Mỹ (54 tuổi, ở thôn Lộc Ngãi, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) đưa 2 con trai là Đồng Khánh Ân (16 tuổi) và Đồng Khánh Trình (13 tuổi) ra đoạn sông gần nhà để tập bơi. Chẳng ngờ, hoạt động nhằm trang bị cho các con khả năng sống sót trong môi trường nước của ông Mỹ lại làm gia đình rơi vào cảnh sinh ly tử biệt. Ba cha con rơi vào hố nước sâu và chảy xiết. Người dân địa phương chỉ kịp cứu được em Trình.
Trẻ em huyện Tuy Phước háo hức với cặp phao.
Thi thể của ông Mỹ và em Ân được vớt lên vào chiều tối. Với bà Võ Thị Phương Ánh (50 tuổi), vợ ông Mỹ, đó là khoảnh khắc đáng sợ nhất. Hai người thân khỏe mạnh, vừa mới cười nói trước đó vài giờ đồng hồ, khi trở về đã không còn sự sống. Tai nạn này làm bà Ánh suy sụp tinh thần. Người mẹ già tuổi đã ngoài 80 cũng đổ bệnh.
“Thương nhất là Trình, đứa trẻ tội nghiệp đã trải qua một lần chết hụt và nỗi đau mất cha, mất anh. Cho đến giờ Trình vẫn thi thoảng trong trạng thái sợ sệt. Cứ chạng vạng tối trở đi, nó không dám ở một mình mà cứ bám lấy mẹ. Tôi không biết bao giờ cháu sẽ trở lại như cái tuổi của nó”, bà Ánh tâm sự.
Vết thương của bà Ánh, nỗi ám ảnh của Trình khi mất đi người thân, chỗ dựa tinh thần cũng là vết thương chung của rất nhiều gia đình khác. Vết thương ấy dẫu có làm sẹo thì mãi mãi vẫn không thể gọi là lành. Bởi lẽ có lần tôi nghe ông Dương Văn Cư (ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) - người có con gái út là Dương Nguyễn Thúy Nhuyên (11 tuổi) bị nước lũ cuốn khi đi học về vào tháng 12.2016- tâm sự: “Cứ mỗi khi nhìn thấy bạn cùng lứa của nó đi học ngang nhà hoặc chơi nhảy dây, chơi đuổi bắt..., ruột gan tôi cứ thắt lại, tự trách mình sao không đến đón con sớm hơn. Nỗi mất mát quá lớn, luôn chực chờ để làm những người còn sống đau đớn”.
Nâng cao nhận thức
Năm 2016, Bình Định có trên 1.300 trẻ em bị TNTT, trong số đó có 41 trẻ em tử vong. 6 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 26 trẻ em tử vong do TNTT. Riêng huyện Tuy Phước, 5 năm qua, có 48 trẻ tử vong do TNTT. Trong đó, có 40 trẻ em tử vong do đuối nước. Từ đầu năm đến nay, có 5 em trên địa bàn huyện tử vong do TNTT; 4 trường hợp trong số này là đuối nước.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết, huyện đã tăng cường chỉ đạo các địa phương chú trọng các biện pháp phòng chống TNTT, nhất là phòng chống đuối nước. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát, gắn biển báo cấm đối với các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, san lấp hố công trình...; huy động nguồn lực trang bị áo phao, đầu tư bể bơi, công trình vui chơi an toàn cho trẻ ở vùng có nguy cơ TNTT cao.
Song hành với các hỗ trợ từ bên ngoài, việc xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em ngay tại gia đình cũng được đẩy mạnh truyền thông. Tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống TNTT trẻ em năm 2017 (tổ chức ngày 15.8 tại Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn - xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Thị Vinh Hương nhấn mạnh các nội dung góp phần làm giảm thiểu TNTT cho trẻ: “Mong các phụ huynh, người chăm sóc trẻ luôn quan tâm, để ý đến trẻ mọi lúc mọi nơi; cho trẻ học bơi, các kỹ năng an toàn dưới nước và đưa đón trẻ trong mùa mưa lũ; nhắc trẻ không đùa nghịch, đá bóng, đá cầu dưới lòng đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Phụ huynh cũng nên bố trí, sắp xếp ổ điện, thức ăn, đồ uống đun sôi ở ngoài tầm với của trẻ để phòng, tránh điện giật, bỏng; giữ sàn nhà khô ráo, cầu thang an toàn để phòng té ngã; không cho trẻ chơi các vật dễ nuốt, sắc, nhọn...”.
Tại Lễ phát động phòng, chống TNTT vừa qua, đại diện Trường Cao đẳng Y tế Bình Định đã mang đến các kỹ năng trực quan cho học sinh Tuy Phước. Nguyễn Thị Anh Thư (học sinh Trường THCS Phước Sơn) cho biết: “Trước giờ, người lớn thường hướng dẫn con dùng kem đánh răng để bôi vào vết bỏng. Nhưng nay thầy giáo chỉ ra rằng kem đánh răng bám vào lớp da bị tổn thương và gây khó khăn cho điều trị. Từ nay, con sẽ tự sơ cứu bằng nước sạch khi bị bỏng và hướng dẫn cho những người ở quanh con”.
Niềm vui cặp phao
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vừa trao 50 cặp phao cho 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên đi lại qua vùng sông nước trên địa bàn huyện Tuy Phước. Ðây là món quà đầu năm học mới nhiều ý nghĩa với nhiều bạn nhỏ.
Mân mê chiếc cặp phao, thầm so sánh nó với chiếc cặp bình thường, bé Trần Thị Mỹ Kiều (9 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) bảo rất vui. Mẹ bé, chị Lê Thị Nhật Trường (46 tuổi) tâm sự: “Cháu đi học thường phải đi qua các bờ tràn. Mùa nước lũ, vợ chồng tôi chia nhau đi đón cháu. Nước mà lớn quá, không qua lại được, nhà trường sẽ cho nghỉ học. Nhưng mà, chuyện sông nước cũng khó nói trước được điều gì, nhất là khi cháu còn quá nhỏ, chưa có ý thức hết mức độ nguy hiểm. Có cặp phao này, mùa mưa lũ, vợ chồng tôi yên tâm hơn một chút”.
NGUYỄN MUỘI