Ðối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo xã, phường với nhân dân ở TX An Nhơn:
Nâng cao sự đồng thuận của dân, hạn chế khiếu kiện vượt cấp
Bắt đầu từ năm 2016, hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư Ðảng ủy và chủ tịch UBND các xã, phường với nhân dân được triển khai ở TX An Nhơn. Phát huy hiệu quả đã có, hoạt động này được tăng từ 1 lên 2 lần/năm kể từ năm 2017.
Theo Ban Dân vận Thị ủy An Nhơn, trong đợt 1 của năm 2017, đã có 14/15 xã, phường tổ chức đối thoại ở 79/108 thôn, khu vực. Nhìn chung, việc tổ chức đối thoại nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân; số người tham gia đối thoại khoảng 60 - 100 người/thôn, khu vực. Người dân đã chủ động tham gia đối thoại, có điểm lên đến 40 ý kiến.
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Định và nhân dân khu vực Vĩnh Liêm.
Tập trung vào vấn đề nổi cộm
Để chuẩn bị cho chương trình đối thoại, Đảng ủy các xã, phường đã xây dựng kế hoạch cụ thể; huy động, phân công cán bộ các ban, ngành, đoàn thể chuẩn bị nội dung và tham gia đối thoại. Đồng thời, thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh để người dân biết, tham gia. Đặc biệt, phường Nhơn Hưng đã chỉ đạo Mặt trận, đoàn thể vận động hội, đoàn viên tham gia cho từng điểm tổ chức đối thoại; tổ chức phát phiếu lấy ý kiến nhân dân; tổng hợp, phân loại theo từng nhóm vấn đề trước khi đối thoại.
“Ðối thoại trực tiếp với người dân là một trong những hoạt động cụ thể hóa Chương trình hành động của Thị ủy An Nhơn về thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thị xã lần thứ XXIII về tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức tiếp xúc đối thoại cũng là một tiêu chí khi xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Ðảng ủy xã, phường hằng năm”
Ông LÊ THANH TÙNG, Ủy viên Thường vụ trực đảng Thị ủy An Nhơn
Đáng chú ý, một số địa phương đã chọn nội dung chính để tập trung đối thoại đối với từng thôn, khu phố. Tại phường Bình Định, 8 khu vực đều có các nhóm nội dung phù hợp với tình hình thực tế, là những vấn đề “nóng”, nổi cộm. Với khu vực Liêm Trực là các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng; việc giải quyết kiến nghị, thủ tục hành chính cho công dân; chính sách sản xuất nông nghiệp. Với khu vực Nguyễn Thị Minh Khai là các vấn đề liên quan đến xã hội hóa xây dựng và chỉnh trang, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Để chuẩn bị cho buổi đối thoại được tổ chức tại khu vực Vĩnh Liêm, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bình Định đã phối hợp với cán bộ khu vực thu thập, tổng hợp được 21 ý kiến, chủ yếu tập trung vào nội dung chính đặt ra từ đầu: công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng; xây dựng và chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Chẳng hạn, bến xe An Nhơn lại là nơi tập kết vật liệu xây dựng, tập kết gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường; khu dân cư Vĩnh Liêm xây dựng kéo dài, gây ngập úng khi mưa xuống; nhiều hộ dân không đóng tiền rác, vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm trong khu dân cư; vẫn còn tình trạng tái chiếm vỉa hè…
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Kim Quy và Chủ tịch UBND phường Bình Định Nguyễn Anh Dũng đã trả lời từng ý kiến của người dân. “Thời gian qua, trên địa bàn phường chúng ta diễn ra rất nhiều hoạt động trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, chỉnh trang đô thị. Làm nhiều thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề, chúng tôi hứa sẽ giải quyết các bức xúc được nêu ra hôm nay, nhưng cũng mong bà con hiểu và thông cảm cho những khó khăn khách quan”, bà Quy nói.
Tiếp tục phát huy hiệu quả
Trực tiếp theo dõi các buổi đối thoại, Phó Trưởng Ban Dân vận Thị ủy An Nhơn Trần Thiện Ngôn cho rằng, qua đối thoại, các cấp ủy đảng, chính quyền đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống, quyền lợi của người dân, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa bàn. Những ý kiến, kiến nghị của người dân được trả lời cụ thể, rõ ràng đúng theo pháp luật; những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương được phân công và giao trách nhiệm cho các ngành có liên quan tham mưu, đề xuất UBND xã, phường giải quyết kịp thời. Từ đó đã nâng cao nhận thức, lòng tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với chính quyền; hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài, giữ vững tình hình ANTT ở địa phương.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, khó, chưa có kinh nghiệm nên một số địa phương trong thực hiện còn bị động, lúng túng; công tác chuẩn bị chưa thật sự khoa học; một số nội dung chưa đáp ứng sự hài lòng của nhân dân”, ông Ngôn nhìn nhận.
Để khắc phục những hạn chế đó, Ban Dân vận Thị ủy An Nhơn sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương đối thoại, làm cho đối thoại trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp, hiệu quả thực chất. Đồng thời, hướng dẫn, theo dõi, giám sát công tác đối thoại; phát huy vai trò của tổ dân vận thôn, khu vực; nắm bắt những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thị ủy để lãnh đạo, chỉ đạo.
Với các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế, cần có kế hoạch tổ chức đối thoại phù hợp; tránh tổ chức lồng ghép hoặc mang tính hình thức làm ảnh hưởng đến chất lượng đối thoại. Đặc biệt, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải quyết các vấn đề đặt ra sau đối thoại, nhất là những vấn đề đã cam kết, tránh để kéo dài gây giảm lòng tin của nhân dân.
NGUYỄN VĂN TRANG