Nhiều địa phương đề nghị lùi thời gian triển khai chương trình mới
Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 sáng nay (21.8), đại diện nhiều địa phương đã đưa kiến nghị lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Nhận định của ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế - Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD&ĐT đã thông qua là khá hoàn chỉnh; đáp ứng dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh; các môn học, dung lượng kiến thức, phân bổ thời gian từng môn học và trong tổng thể chương trình được tính toán cân đối, phù hợp.
Với địa phương, ông Phạm Văn Hùng cho biết, tâm thế của cán bộ quản lý và giáo viên đã rất sẵn sàng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế vẫn đề nghị Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ cho lùi thời gian triển khai chương trình mới 1 năm.
“Thừa Thiên Huế có khoảng 17 ngàn giáo viên, chúng tôi cần có thời gian để đội ngũ này thực sự, hiểu, thấm về chương trình mới, cũng như có thời gian để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để triển khai chương trình” – ông Phạm Văn Hùng chia sẻ.
Chung quan điểm này, ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định – cũng cho rằng nên lùi thời gian triển khai chương trình, SGK mới để địa phương có thời gian chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lý ... nhằm triển khai tốt nhất chương trình mới.
Ý kiến của đại diện đầu cầu Nghệ An, với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD&ĐT đã rất cẩn trọng, nghiêm túc, có lộ trình bài bản. Nhưng về phía địa phương vẫn băn khoăn về điều kiện thực hiện.
Với Nghệ An, dù đã rất quan tâm nhưng cơ sở vật chất, đặc biệt các địa phương vùng nùi còn nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên cũng còn có những bất cập. Do đó, nên giãn tiến độ, lùi thời gian thực hiện để địa phương có thể chuẩn bị đầy đủ hơn, từ đó triển khai chương trình mới hiệu quả, chất lượng.
Quan điểm của Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, 1 trong những rào cản thực hiện chương trình mới là điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, khó thực hiện xã hội hóa.
Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long mong muốn Bộ GD&ĐT có kế hoạch tăng cường đề án về cơ sở vật chất, ban hành chuẩn cơ bản để địa phương thực hiện. Chuẩn này cần phải đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Sĩ số học sinh trên lớp cũng cần có lộ trình để ngang bằng các nước trong khu vực.
Với Kiên Giang – Giám đốc Sở GD&ĐT – cho rằng, việc triển khai chương trình mới không thể thực hiện cùng lúc, đồng loạt mà phải làm dần từng nội dung. Lãnh đạo Sở này cũng nhấn mạnh: chủ trương, mô hình mới cần được nghiên cứu cẩn trọng, đảm bảo yếu tố khoa học và thực tiễn... Khi làm cần theo đuổi đến cùng, tôn trọng dư luận nhưng không chạy theo dư luận.
Ngoài vấn đề về chương trình giáo dục phổ thông mới, tại hội nghị, ý kiến nhiều địa phương cũng đánh giá cao kỳ thi THPT quốc gia 2017 và cho rằng nên giữ ổn định cách thức thi này trong năm tiếp theo; chỉ điều chỉnh một số nội dung kỹ thuật để kỳ thi đạt hiệu quả tốt hơn.
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)