Thiết chế văn hóa cơ sở: Nghèo hoạt động thực tế
Thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm quy hoạch xây dựng thiết chế văn hóa theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Tuy gia tăng về số lượng các nhà văn hóa, nhưng hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế.
Nhiều công trình khang trang...
Trong giai đoạn 2011-2015, cùng với ngân sách Nhà nước, nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn đầu tư khác nhau, xây dựng các thiết chế văn hóa cấp xã, thôn. Huyện Tây Sơn đầu tư hơn 12 tỉ đồng xây dựng đến 9 nhà văn hóa (NVH) xã, thị trấn. Mấy năm gần đây, việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở trên địa bàn huyện Phù Cát cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Tính đến cuối 2016, huyện này có 5 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hơn 60% trụ sở thôn, khu phố có khả năng đảm trách một số hoạt động văn hóa cơ sở. Tương tự, Hoài Nhơn có 7/15 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Đây là huyện rất tích cực trong đẩy mạnh hoàn thiện các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.
NVH xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 2,4 tỉ đồng.
Đến nay, có 6 xã của huyện Tuy Phước xây dựng được NVH; 45 thôn xây dựng, sửa chữa NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Ông Phạm Sĩ Chương, Trưởng thôn văn hóa Trung Thành, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, cho biết: “Thôn chúng tôi được huyện đầu tư xây dựng NVH khang trang, rộng rãi hơn nhiều so với trụ sở thôn trước đây. Từ khi đi vào hoạt động (6.2015) đến nay, tại NVH thôn thường xuyên diễn ra các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng...”.
Nhưng lại... nghèo nàn
Liên tục trong hơn 2 năm gần đây, tôi đã đến thăm nhiều NVH xã, thôn trong tỉnh, và điểm đáng tiếc nhất là rất ít nơi thực hiện được Quy chế tổ chức và hoạt động của NVH - khu thể thao thôn, làng trên địa bàn tỉnh (UBND tỉnh ban hành tháng 7.2015).
Chẳng hạn theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu phục vụ hoạt động của NVH thôn phải có: bàn, ghế, phông màn, cờ (cờ Đảng, cờ Tổ quốc), ảnh hoặc tượng Bác Hồ, micro, tăng âm, loa đài, tivi..., nhưng đến nay, nhiều NVH bên ngoài thì hoành tráng, còn bên trong rất tạm bợ, sơ sài.
Hay quy định về tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu, liên hoan, các hoạt động của các loại hình CLB, nhóm sở thích và các hoạt động vui chơi, giải trí khác cho nhân dân... thì hầu như không mấy NVH thôn thực hiện hiệu quả. Việc khai thác các dịch vụ văn hóa theo quy định cho phép nhằm tạo nguồn thu để tổ chức các hoạt động thì vẫn còn là điều khó hiện nay đối với các NVH thôn, xã...
Tại Hội nghị triển khai Đề án truyền thông về phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa” đến năm 2020, tầm nhìn đến đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh được tổ chức ngày 16.8 vừa qua, nhiều đại biểu đã nêu ra những hạn chế trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Trong đó các vấn đề được mổ xẻ nhiều là: Công tác xây dựng, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa chưa đạt hiệu quả cao; nhiều NVH hoạt động cầm chừng, nội dung và hình thức chưa phong phú, chưa thu hút người dân; thiếu kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ NVH. Đặc biệt, công tác kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ làm công tác văn hóa và triển khai các hoạt động văn hóa ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức; chế độ chính sách đối với cán bộ văn hóa còn chắp vá, thiếu đồng bộ...
Có lẽ đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương liên quan nên phối hợp khảo sát, đánh giá một cách toàn diện hơn nữa để từng bước có những biện pháp khắc phục, phát huy được hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, tránh lãng phí đầu tư...
Số liệu thống kê từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết, đến nay tỉnh đã đầu tư 118,5 tỉ đồng, cộng với nguồn lực từ nhân dân, nhiều địa phương đã hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 54 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (chiếm 44,3 %); 77/112 xã có trung tâm văn hóa - thể thao xã, 681/828 thôn có NVH - khu thể thao thôn.
HOÀI THU