Bảo tàng có thể tự chủ tài chính ?
Chuyện các bảo tàng tự chủ tài chính, nói nôm na tự nuôi lấy thân, thậm chí còn nộp ngân sách Nhà nước, tuy ít nhưng không phải là chuyện mới. Thông tin từ cuộc tọa đàm quanh việc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh) - một điển hình, đi đầu trong việc tự chủ tài chính hoàn toàn kể từ năm 2014 - khiến nhiều người quan tâm. Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng rất lớn, trong vấn đề này, Bảo tàng tổng hợp Bình Định có thể tham chiếu rất nhiều.
Theo văn bản, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh bắt đầu tự chủ tài chính từ ngày 13.11.2014. Tuy nhiên, trên thực tế, trước đó rất lâu - từ ngày 1.1.2014 - ngân sách Nhà nước đã hoàn toàn ngưng cấp cho đơn vị này. Bảo tàng này không chỉ thành công trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, tự tìm kiếm nguồn thu, không còn sống nhờ ngân sách Nhà nước, mà còn tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Theo thông tin do Bảo tàng này công bố, năm 2016, chỉ riêng số thu từ việc bán vé đã đạt hơn 13,7 tỉ đồng.
Theo ông Châu Phước Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng, “đơn vị đã dần ổn định nguồn thu, duy trì tốt các khoản chi thường xuyên, phục vụ tốt công tác chuyên môn, trích quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và đảm bảo được đời sống của cán bộ viên chức, người lao động”. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục, chứng minh rằng bảo tàng hoàn toàn có thể tự nuôi lấy thân, đặc biệt khi có lộ trình hợp lý.
Quãng mười năm trước, bài toán tự chủ tài chính đã được Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) giải được một cách gọn gàng. Bảo tàng này đã thu hút công chúng bằng những triển lãm chuyên đề hấp dẫn, những cuộc giao lưu thuyết trình lôi cuốn, thậm chí Bảo tàng còn thu hút khách đến tham quan chỉ với mục đích chụp ảnh lưu niệm, chụp ảnh cưới vì cảnh quan ở đây đẹp.
Tương tự như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều dịch vụ vừa phù hợp với chức năng của bảo tàng, vừa tăng nguồn thu mà vẫn tạo ra cơ hội quảng bá hoạt động chuyên môn. Ông Châu Phước Hiệp tiết lộ: “Có những việc khi bắt tay làm mới biết được hiệu quả, như việc in ấn và phát hành tập sách dạng catalogue giới thiệu Bảo tàng bằng 4 ngôn ngữ, vậy mà mỗi ngày chúng tôi bán hơn 100 cuốn, từ quý III.2016 đến nay (7.2017) đã thu về 527 triệu đồng” (dẫn theo báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh).
Trong tham luận Đa dạng hóa các hoạt động của bảo tàng hiện đại (từ kinh nghiệm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, chia sẻ: “Sự bao cấp đã dẫn đến tình trạng trì trệ của các bảo tàng, làm mất đi tính năng động trong các hoạt động bảo tàng. Giờ đây, các bảo tàng không còn đứng ngoài quy luật kinh tế thị trường nữa. Bảo tàng không thể coi nhẹ đối tượng phục vụ của mình, mà phải vận động và tìm cách lôi kéo công chúng đến thăm bảo tàng vì chính họ mang lại nguồn thu quan trọng cho bảo tàng!”.
Từ hai ví dụ nêu trên, điểm then chốt của vấn đề “tự nuôi lấy thân” là xác định và thu hút được khách hàng, người sử dụng dịch vụ, đồng thời phải giới thiệu được mình với công chúng. Rõ ràng, nếu hiểu bảo tàng là một dịch vụ văn hóa thì cũng như mọi ngành khác, bảo tàng cũng phải tiếp thị mình. Một bảo tàng hiện đại không thể thiếu khâu tiếp thị.
Nhiều năm qua, để tổ chức Liên hoan trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định đều phải xin ngân sách hỗ trợ. Năm nay, Hội quyết định tổ chức Liên hoan hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Và thật bất ngờ, quyết định này được hội viên ủng hộ nhiệt tình. Không chỉ có vậy, Hội còn kiến tạo nguồn thu để trang trải chi phí tổ chức, bằng cách bố trí 29 lô thương mại và toàn bộ 29 lô này đã được các nhà vườn ở Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp... nhanh chóng mua quyền sử dụng. Trước đó, một số chi hội sinh vật cảnh ở huyện Tuy Phước như Phước Hiệp, Phước Nghĩa, thị trấn Tuy Phước cũng tự tổ chức nhiều sự kiện tương tự bằng nguồn xã hội hóa.
Nói như ông Châu Phước Hiệp “có những việc khi bắt tay làm mới biết được hiệu quả”, ngành văn hóa tỉnh ta có lẽ cũng nên tính đến việc xây dựng lộ trình để bảo tàng tự cân đối tài chính nhằm tránh lãng phí tiềm năng, nguồn lực to lớn đang sở hữu.
BÁ PHÙNG