Năm học mới 2017-2018: Tích cực đổi mới, đẩy mạnh tự chủ
Sáng 21.8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Tại điểm cầu Bình Ðịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở GD&ÐT Ðào Ðức Tuấn dự Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành.
Tạo ra chuyển biến tích cực
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2016-2017, toàn ngành đã triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
“Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực”, báo cáo khẳng định.
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Bộ máy tổ chức, nhân sự được sắp xếp, điều chỉnh phù hợp, chuyên nghiệp, hiệu quả. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được quản lý và sử dụng hiệu quả. Công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng, thực hiện theo hướng bảo đảm khách quan, trung thực. Công tác truyền thông giáo dục ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Trong năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT cả nước xác định sẽ tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản với phương hướng chung là: Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Trong đó, ngành lựa chọn 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tập trung tổ chức thực hiện. Trước hết là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mà trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Tiếp đến là chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Cuối cùng là đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để hội đồng trường hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
3 kiến nghị của Bình Ðịnh
Nhân Hội nghị, tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan đã tích cực hỗ trợ ngành GD&ĐT tỉnh vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98%. Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thanh nêu 3 kiến nghị:
Được sự giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, Bình Định đã phối hợp với Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng Quy hoạch phát triển giáo dục tỉnh năm 2020, tầm nhìn 2030. Vì vậy, để đảm bảo nguồn lực và tính pháp lý khi triển khai thực hiện Quy hoạch, tỉnh đề nghị Bộ và các ngành liên quan ban hành các văn bản định mức chuẩn về trang thiết bị, nhân lực, cơ sở vật chất tương ứng.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 làm cho thi cử trở nên gọn nhẹ, hiệu quả cao, nhiều thuận lợi. Bình Định đề nghị Bộ tiếp tục duy trì ổn định hình thức này thời gian tới trên cơ sở khắc phục một số khâu kỹ thuật chưa thật hợp lý, nhất là việc tính điểm ưu tiên cho thí sinh khi sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào đại học.
Về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, dù có nhiều nỗ lực, nhưng tỉnh vẫn chưa thật sự hoàn thiện cả về 3 mặt: nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị theo yêu cầu triển khai chương trình và SGK mới. Vì vậy, Bình Định kiến nghị giãn tiến độ, có thể bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020 để các địa phương như Bình Định có đủ thời gian để hoàn chỉnh, đáp ứng phù hợp.
PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ ÐỨC ÐAM: “Người thầy là quan trọng nhất !”
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam chỉ đạo: “Phải bớt đi những chỉ đạo cứng nhắc, mang tính “cầm tay chỉ việc”. Giáo dục học sinh biết yêu lao động và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, nuôi dưỡng tình yêu thương gia đình, cộng đồng, quê hương đất nước. Về chương trình giáo dục phổ thông mới, tinh thần là khẩn trương nhưng chất lượng là trên hết. Ðổi mới là tất yếu, phải đổi mới thì giáo dục mới tốt hơn. Phải truyền được tinh thần đổi mới xuống tất cả giáo viên, bởi người thầy là quan trọng nhất. Thầy không đáp ứng yêu cầu đổi mới thì sẽ có bao nhiêu học sinh chịu thiệt thòi”.
NGỌC TÚ