ĐBQH Dương Trung Quốc: Chúng ta cứ đàng hoàng viết về lịch sử...
“Chúng ta cứ đàng hoàng viết về lịch sử nhưng với tinh thần không phải là khơi gợi hận thù mà chính là rút ra từ bài học chiến tranh, rút ra từ thực tiễn lịch sử chiến tranh những bài học về hòa bình, hữu nghị…”, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc nói
Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc
Đây là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh Bộ sách Lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất với những quan điểm tiến bộ, trong đó từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hòa là ngụy quân, ngụy quyền và chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc...
Không đưa vào SGK thì để lại khoảng trống rất lớn trong nhận thức
Ngày 18.8, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu, phát hành bộ Lịch sử Việt Nam tái bản bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn.
Bộ Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập với hơn 10.000 trang được xem là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam và có nhiều điểm mới trong các đánh giá.
Trong đó, Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất đã đưa ra những quan điểm tiến bộ, trong đó từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hòa là ngụy quân, ngụy quyền và chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc...
Trước nhiều ý kiến đồng tình với việc “viết lại” lịch sử về cuộc chiến tranh biến giới phía Bắc tuy nhiên một luồng dư luận khác cũng phản đối việc “sách giáo khoa lịch sử phải viết cụ thể về cuộc chiến này, chứ không thể viết dăm ba dòng như trước”.
Lên tiếng về nội dung này, nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: Trước hết, việc công bố vừa rồi là cách nhìn nhận lại lịch sử Việt Nam, Bộ sử do Viện Sử học Việt Nam biên soạn và thực hiện kéo dài trong nhiều năm, lần này tái bản cùng một lúc để trở thành một bộ sách 15 tập.
“Nghĩa là đây không phải là vấn đề mới, những vấn đề này đã được nghiên cứu công bố trên những tập liên quan cách đây vài năm rồi chứ không có gì hoàn toàn mới cả. Vả lại trong sinh hoạt sử học cũng đã có nhiều cuộc hội thảo hay những tổng kết của lịch sử quân sự cũng đã có rồi. Còn đúng là tuyên truyền ra quần chúng thì do đối ngoại, có thể tạo ra chưa tương xứng với sự kiện”- nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Theo đánh giá của ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc, khi những công trình này được đánh giá là thành tựu của sử học thì những sự kiện trong đó có cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc phải được thể hiện trong các sách giáo khoa.
“Tôi cho rằng đây là chuyện rất bình thường. Bởi nếu không công bố, không đưa vào sách giáo khoa thì rõ ràng để lại khoảng trống rất lớn trong nhận thức nhất là giới trẻ. Điều đó rất nguy hại”- nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích.
Có phương hại đến quan hệ Việt -Trung?
Trả lời câu hỏi, việc đưa vào SGK sự kiện này có phương hại gì đến quan hệ Việt Nam- Trung Quốc không, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, chúng ta luôn luôn mong muốn quan hệ Việt Nam- Trung Quốc hòa hiếu tốt đẹp.
“Thế nhưng chúng ta cũng có những cuộc chiến tranh khốc liệt với Pháp, Mỹ mà chúng ta vẫn đưa vào sách giáo khoa mà quan hệ ở bên ngoài chúng ta vẫn tốt. Vấn đề không phải vì sách giáo khoa mà không tốt, vấn đề là sách giáo khoa có phản ánh đúng bản chất sự kiện không? Thế thôi. Và bất kỳ một lịch sử chiến tranh nào thì cũng đều rút ra bài học – hòa bình, đó mới là điều quan trọng chứ chúng ta không thể lờ nó đi được”- nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Viện dẫn cho điều này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, chúng ta có hàng chục vạn liệt sĩ, người thân chết trong cuộc chiến tranh ấy. Cho nên nếu ai e ngại rằng điều này phương hại đến quan hệ Việt – Trung thì chúng ta có thể lấy bài học từ câu chuyện liên quan đến nước Pháp thực dân và nước Mỹ thời kỳ chiến tranh. Tại sao trong SGK chúng ta vẫn viết đầy đủ kể cả tội ác của Mỹ, Pháp mà quan hệ giữa Việt Nam với Pháp, Mỹ, Hàn Quốc với những nước từng liên quan đến các cuộc chiến tranh ấy vẫn tốt đẹp?.
Vì thế, một lần nữa, nhà sử học khẳng định “tôi cho rằng không có việc gì phải e ngại với chuyện đó cả nếu nhà chính trị đặt ra vấn đề này. Chúng ta cứ đàng hoàng viết về lịch sử nhưng với tinh thần không phải là khơi gợi hận thù mà chính là rút ra từ bài học chiến tranh, rút ra từ thực tiễn lịch sử chiến tranh những bài học về hòa bình, hữu nghị…”.
Về ý kiến cho rằng nhiều nhà sử học kiến nghị đưa sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc là mâu thuẫn với chủ trương giảm tải sách giáo khoa mà Bộ GD & ĐT đặt ra, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, điều đó thuộc về kỹ thuật chứ không phải lấy đó làm lý do để thêm cái này bớt cái kia.
“Phụ thuộc vào những nhà viết sách giáo khoa, nếu trong chương trình có thì sẽ viết liều lượng như thế nào thì vừa tương xứng với sự kiện vừa là phù hợp với chương trình. Chẳng hạn như lớp thấp thì học cái gì, lớp cao thì học cái gì…lớp chuyên nghiệp thì học cái gì?”- nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Theo N. Huyền (Infonet)