Ngắm một “báu vật quốc gia”
Ở gian chính của Bảo tàng tỉnh Bình Định có trưng bày một “báu vật quốc gia”, đó là bức phù điêu nữ thần Mahisa - Mardini (ảnh). Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm đẹp nhất ở Việt Nam.
Sau nhiều năm đàm phán, chính phủ Việt Nam đã cho Cộng hòa Áo và Vương quốc Bỉ mượn bức phù điêu này để trưng bày tại Triển lãm với chủ đề "Việt Nam: Quá khứ và Hiện tại" kéo dài từ tháng 9.2003 đến tháng 10.2004 tại nhiều địa phương của 2 quốc gia này. Cuộc triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Bruxelles (Bỉ) thực hiện. Nói qua một chút như vậy, không gì hơn để bạn có thể hình dung tầm vóc và giá trị của báu vật này.
Phù điêu nữ thần Mahisa - Mardini (trong Ấn Độ giáo, nữ thần này có nhiều tên gọi tùy theo hóa thân, phổ biến nhất Bhagavati, Parvati, Durga, Devi, Sati, Kali hoặc nữ thần Uma - vợ của thần Shiva, hay là mặt âm tính của thần Shiva - một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo, gồm: Brahma-Visnu và Shiva) - được phát hiện vào tháng 5.1989 tại gò tháp Gãy (thuộc khu vực núi Cấm, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn). Nữ thần được thể hiện trên một phiến đá hình lá đề (typam), có lẽ phù điêu được dùng trang trí vòm cửa chính của tháp hoặc có thể dùng gắn thờ trong lòng tháp.
Phù điêu thể hiện một phụ nữ đang múa trong tư thế: tay phải cầm mũi tên, tay trái chống hông, 2 chân khuỳnh xuống và phía dưới là hình thủy quái Makara. Phù điêu thể hiện nữ thần 2 tay chính và 8 tay phụ, mỗi tay cầm 1 vật như: tù và, cánh cung, cây trượng, giáo, đoản kiếm, chuông nhỏ. Tất cả các tay đều uyển chuyển, duyên dáng, hài hòa với gương mặt. Cổ tay và bắp tay đeo những vòng trang trí. Phù điêu thể hiện nữ thần để mình trần, ngực căng, eo rất thắt, từ thắt lưng một dải vải rũ xuống, vắt qua hai đùi. Tóc của nữ thần búi cao thành hình chóp, cố định bằng vương miện.
Trong thần thoại Ấn Độ, Mahisasura là một con quỷ làm hại trần thế. Để giúp vợ tiêu diệt quỷ dữ, Shiva cho bà cây đinh ba thần, Brahma cho bà bình nước, Vishnu cho bà chiếc tù và bằng vỏ ốc, Indra tặng bà lưỡi tầm sét, Pavana tặng bà cây cung thần... Có lẽ vì thế mà nghệ nhân tạo tác đã định hình nữ thần với nhiều cánh tay khỏe mạnh như vậy. Nhờ sức mạnh các vị thần hỗ trợ, nữ thần đã diệt trừ được Mahisasura, do đó nữ thần có tên gọi là Mahisa-Mardini. Trong tín ngưỡng Champa, dù ở hóa thân nào, nữ thần Mahisa-Mardini cũng được sùng kính, người Chăm gọi nữ thần là Mẹ Xứ Sở (Yen Pu Nưgara) hoặc Pô Naga.
Dù trầm mặc trong rêu phong như những gương mặt Visnu trên các ngôi tháp cổ hay thanh thoát như những nữ thần Champa trong những bức phù điêu, điêu khắc Chăm luôn giữ nguyên sự hấp dẫn pha chút huyền bí của nó, dẫu nhiều trăm năm đã trôi qua. Đứng trước những bức phù điêu, những pho tượng đẹp xinh như vậy, dường như ai dễ dàng thả hồn mình về với những huyền thoại kỳ ảo xa xưa.
BÁ PHÙNG
Nghe nói Bảo tàng Bình Định có nhiều hiện vật đẹp lắm, sao chỉ giới thiệu có một cái vậy? Còn mấy cái khác nữa sao không giới thiệu cho mọi người cùng ngắm vậy?