"Đã đến lúc không thể tiếp tục triển khai rồi đổi mới và sửa"
Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017 - 2018 diễn ra sáng ngày 21.8, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng cần nhìn một cách tổng thể về lĩnh vực giáo dục, về vấn đề cơ chế quản lý ngành.
Phải kiên quyết theo đuổi mục tiêu
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang thẳng thắn đề nghị Bộ GD-ĐT khi thực hiện những chủ trương hay mô hình mới trong giáo dục cần phải nghiên cứu cẩn thận, đảm bảo yếu tố khoa học, thực tiễn và nhu cầu xã hội.
Sau khi ban hành chủ trương dựa trên đầy đủ những nghiên cứu này, Bộ phải theo đuổi để làm tới cùng, phải vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu và cùng đồng hành.
"Chúng ta lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, tôn trọng dư luận nhưng đề nghị không chạy theo dư luận" - bà Giang nhấn mạnh.
"Vấn đề, nội dung giáo dục phải do ngành giáo dục quyết định trên cơ sở khoa học. Không thể nói phụ huynh muốn cho con học cái gì thì ngành giáo dục phải dạy cái đó".
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Dân trí
Khi Bộ GD-ĐT đã đưa ra thành nhệm vụ, mục tiêu rồi thì ở địa phương dù khó khăn mấy cũng vẫn làm nếu thấy tính thiết thực cao.
"Giáo viên hết sức vất vả nhưng đôi khi lại không thấy được sự ổn định thì rất khó. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta phải vững vàng".
Bà Giang cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT nên phối hợp với các bộ ngành khác trong việc tăng cường nguồn lực cho ngành giáo dục để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện.
Bà Giang cho rằng Nghị quyết 29 có đề cập mục tiêu xây dựng nền giáo dục tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến quốc tế, nhưng "hiện nay mục tiêu này ở một số thành phố lớn có thể thực hiện được, còn ở vùng sâu vùng xa thì làm thế nào?".
"Ví dụ như ở Kiên Giang hiện đang thiếu gần 1.000 biên chế các cấp phổ thông, mầm non cũng thiếu 500 biến chế, song khi làm việc với ngành nội vụ thì họ nói rằng không phân được do quy định phân biên chế căn cứ trên đầu học sinh.
Trong khi đó, chúng tôi là tỉnh vùng sâu vùng xa, có hơn 700 trường học mà có tới 1.900 điểm lẻ. Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, không thể giảm hơn được nữa. Vì vậy, nếu bố trí giáo viên theo đầu học sinh thì sẽ rất khó khăn mà phải bố trí giáo viên theo lớp học thực tế" - bà Giang nêu thực tế.
Cần cân nhắc trước những thay đổi
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng cần nhìn một cách tổng thể về lĩnh vực giáo dục, về vấn đề cơ chế quản lý ngành.
Theo ông Bình, bộ trưởng là "tư lệnh của ngành giáo dục" nhưng với Luật về tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền của các địa phương thì rõ ràng rằng bộ trưởng chỉ quản lý kinh phí của Bộ GD-ĐT, giám đốc sở chủ yếu nắm kinh phí của cấp THPT, chủ tịch UBND quận, huyện thì nắm kinh phí từ cấp THCS trở xuống.
"Sự chia cắt khiến cho khó có sự thông hiểu, thống nhất lẫn nhau trong tài chính. Bên cạnh đó là vấn đề nhân sự, khi tất cả giáo viên là viên chức, hợp đồng làm việc với Nhà nước, do đó được điều chỉnh bằng Luật Viên chức, nhưng việc tuyển dụng lại chủ yếu do Bộ và Sở Nội vụ. Như vậy là chưa thống nhất ở việc quản lý" - ông Bình phân tích.
Ông Phanh Thanh Bình phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017 – 2018 sáng 21.8. Ảnh: Lê Văn.
Về giáo dục phổ thông, ông Bình nêu vấn đề "Có lẽ phải đặt ra là muốn cái gì từ chương trình giáo dục phổ thông này? Với nguyên tắc là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài thì nên tập trung ở đâu?".
Theo ông Bình, nên hướng về đào tạo nguồn nhân lực, dùng cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, giúp hội nhập quốc tế khi khoa học công nghệ và công nghệ thông tin đang đi rất sâu vào trong mọi lĩnh vực.
Về giáo dục đại học, dù đánh giá rất cao việc tự chủ, nhưng ông Bình bày tỏ mong muốn rằng phải trao cho trường một năng lực đúng với trí tuệ và sự tập trung trình độ ở đại học, chứ không phải tự chủ chỉ là vấn đề trách nhiệm.
Đối với kỳ thi THPT quốc gia, ông Bình cho rằng hiện nay đang nói kỳ thi đáp ứng 2 yêu cầu là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, tuy nhiên, bản chất kỳ thi này là để công nhận tốt nghiệp của học sinh sau 12 năm học, còn việc tuyển sinh là việc của trường đại học.
"Chúng ta lấy kỳ thi công nhận phổ thông để áp vào xét tuyển đại học thì khó" - ông Bình nhận xét.
Về chương trình phổ thông mới, ông Bình cho biết quan điểm của Ủy ban là phải làm sao có được một chương trình tốt nhất và không cần gấp gáp.
“Bởi một lần làm là một lần khó, và chúng ta phải chuẩn bị trọn vẹn, đầy đủ từ chương trình, sau đó là đội ngũ giáo viên và cuối cùng là điều kiện thực hiện".
Ông Bình cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần tránh việc tạo nhiều biến động lớn trong xã hội. “Thực sự những cái mà chúng ta làm không phải là quá dở, nhưng chúng ta cần cân nhắc trước các thay đổi. Đặc biệt, hãy nghĩ đến sự phù hợp với điều kiện của vùng sâu, vùng xa và đồng bào các dân tộc” - ông Bình nhấn mạnh.
Theo Lê Văn - Thanh Hùng (Vietnamnet)