90% người lao động mong được nghỉ hưu đúng tuổi
Đó là kết quả đợt khảo sát với 5.000 phiếu gửi người lao động tại ba miền Bắc – Trung – Nam về độ tuổi nghỉ hưu mà người lao động mong muốn.
Phần lớn người lao động mong được nghỉ hưu đúng tuổi
Tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay 22-8 về chủ đề tìm các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa thực hiện một đợt khảo sát với 5.000 phiếu gửi người lao động tại ba miền Bắc – Trung – Nam về độ tuổi nghỉ hưu mà người lao động mong muốn.
Kết quả, có tới 90% số phiếu khẳng định họ mong muốn Nhà nước giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, không kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu.
Ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh vào chữ “được nghỉ hưu” khi phản ánh lại tâm tư nguyện vọng của người lao động qua đợt khảo sát về tiền lương, mức sống và tuổi nghỉ hưu năm 2017.
Về việc nâng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng để đảm bảo ổn định Quỹ Bảo hiểm xã hội, thông qua khảo sát của Viện trưởng Viện Công nhân – công đoàn, nhiều người lao động cho rằng đây là bài toán mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải tính toán thông qua nhiều giải pháp như mở rộng thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, không thể bắt người lao động phải làm thêm để “nuôi” Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Còn theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Ban chính sách Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hiện tại, đã có 13,17 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc và 241.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên mới đạt ¼ chỉ tiêu đặt ra, đến năm 2020 cố gắng thu hút được khoảng 50% số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Viện trưởng Viện Công nhân – công đoàn cho rằng, hiện có một khó khăn trong việc mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội là nhiều lao động rút khỏi quá trình tham gia bảo hiểm để hưởng chính sách một lần, nhiều doanh nghiệp khó khăn nên cắt giảm lao động… “Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 600.000-700.000 lao động rút khỏi bảo hiểm xã hội, cho nên nhìn tổng quan thì số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên nhưng trừ đi số rút khỏi thì số thực tăng không đáng bao nhiêu” – ông Vũ Quang Thọ cho biết.
Theo VĂN PHÚC (SGGP)