Ðứng lên sau vấp ngã
Trong cuộc đời, không ai trưởng thành mà không một lần vấp ngã. Ðiều quan trọng là phải dũng cảm nhìn nhận lỗi lầm quá khứ để xây dựng hiện tại và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Anh Việt bên vườn cây ăn trái của gia đình.
1.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Đức Việt (xã Ân Phong, huyện Hoài Ân), một người đã trải qua quá khứ tù tội nay đã làm lại cuộc đời, trở thành một nông dân sản xuất giỏi. Ở vùng đất bạc màu, khô cằn này, trong khi mọi người trồng điều và keo lai thì anh Việt trồng bưởi da xanh và đã thành công. Trên khu vườn rộng 1 ha, ngoài cây chủ đạo là bưởi da xanh, anh trồng thêm dừa xiêm, xoài và gần 100 gốc bơ sáp. Anh Việt chia sẻ: “Tôi rất mê trồng cây và muốn biến vùng đất khô cằn này thành đất ngọt”.
Anh Việt từng phải chịu mức án 5 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích, song nhờ cải tạo tốt nên đã 3 lần được giảm án. Thường thì cá nhân khi phạm sai lầm, dù đã là quá khứ, cũng không muốn nhắc đến những chuyện đã qua. Thế nhưng, anh Việt vẫn mạnh dạn giãi bày. “Ý chí, nghị lực và sự động viên của người thân chính là liều thuốc tinh thần giúp tôi vượt qua mọi trở ngại để làm lại cuộc đời. Không gì là không thể nếu ta có quyết tâm”, anh Việt tâm sự.
2.
Từng trải qua chuỗi ngày tăm tối và có lúc muốn buông xuôi tất cả, nhưng chính được sự động viên kịp thời của gia đình và nỗ lực thay đổi của bản thân mà anh Nguyễn Văn Hưng đã có được ngày hôm nay. Là chủ một gara lớn tại TP Quy Nhơn với 12 lao động thường xuyên, ít ai nghĩ rằng người đàn ông có nước da ngăm đen này đã từng một thời “dính” chặt với ma túy. “Chừng ấy năm lầm lỗi là quá đủ rồi. Nhìn người mẹ đã già vẫn đau đáu lo lắng, khổ cực vì mình, tôi ân hận lắm. Khi mới ra tù, cũng không ít lần bạn bè tìm đến rủ rê nhưng tôi đã quyết tâm làm lại cuộc đời...”, anh Hưng tâm sự.
Hơn 10 năm về trước, anh bị kết án 4 năm tù giam về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngày vào trại giam cũng là lúc mọi cánh cửa đóng sập trước cuộc đời anh: con mất, cha qua đời, vợ đề nghị chia tay... Nhưng cũng chính lúc tuyệt vọng ấy, anh nhận được sự động viên kịp thời của giám thị và của người mẹ già nên dần vượt qua cú sốc để quyết tâm làm lại cuộc đời. “Trải qua những giai đoạn khó khăn, những lúc tuyệt vọng, tôi nghiệm ra rằng, chỉ có sự nỗ lực của bản thân và sự động viên, tin tưởng của người thân, mới có thể giúp những người từng sa chân như tôi vững bước hoàn lương”.
3.
Theo thống kê của CA tỉnh, từ năm 2013 đến tháng 6.2017, trên địa bàn tỉnh có 3.510 phạm nhân được ra tù, trong đó 157 người tái phạm. Những người tái phạm đa số không có công ăn việc làm, thiếu sự quan tâm chia sẻ. Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Đa số người chấp hành án phạt tù xong có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn nên rất khó tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, họ cần sự sẻ chia, quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, nhất là gia đình, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể. Để hạn chế tình trạng phạm nhân ra tù tái phạm, các cấp, các ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến việc tiếp nhận, quản lý, cảm hóa, giáo dục người tù trở về; đẩy mạnh tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”.
Quả thật, ngoài ý chí của mỗi cá nhân, sự quan tâm động viên của gia đình và mọi người là rất quan trọng. Anh Việt đã từng tâm sự: “Chỉ là cuộc điện thoại hỏi thăm dạo này thế nào, cuộc sống ra sao, có khó khăn gì không từ người quản giáo cũ mà tôi thấy vui mừng vô cùng”. Hay như anh C.B. (huyện Hoài Nhơn) đã đúc kết sau gần chục năm hoàn lương: “Những ngày đầu mới về nhà, bị nhiều người dè bỉu là thằng tù, tôi buồn lắm. Nhưng rồi nhờ gia đình và nhất là chính quyền địa phương động viên, định hướng nghề nghiệp, tôi thấy tự tin hơn và bắt đầu làm lại cuộc đời”.
Khi bắt tay từ biệt tôi, anh Hưng cũng đã nói: “Mua ô tô rồi, giờ là lúc chăm làm để mua nhà riêng, vì có an cư mới lạc nghiệp được!”.
Còn tôi, sau cuộc gặp gỡ với những con người từng lầm lỡ đang quyết tâm làm lại cuộc đời, tôi càng tin rằng, làm lại không bao giờ là quá muộn!
KIỀU ANH